Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tân Phú Đông

                         Tranh Đình Quân

Quê hương ta Cù lao Lợi Quan
Nằm khoanh lòng mẹ sóng Tiền Giang
Bốn mùa thoảng nhẹ hương hoa trái
Uốn khúc vườn xanh giữa ruộng vàng

Đầu mõm làng ta Tân Thới ơi !
Dừa cau bao thưở tóc xanh trời
Ngọn vàm Tam Lạch chôn nhau rún
Nâng bước ta tròn kiếp dạt trôi

Cầu Cả Thu soi nước lớn ròng
Hoa tra vàng rộm nắng vàng ong
Ai còn bối rối chùm hoa sứ
Phú Thạnh còn thơm vị mắm còng

Đôi cửa Tiền Giang một mũi tàu
Xanh xanh cồn bãi đất cù lao
Ầu ơ nhịp võng chao sông nước
Nhịp thuỷ triều dâng sóng cuộn trào

Dấu tích chưa mờ trấn Hải Châu
Pháo đài lũy cũ dẫu chìm đâu
Hoa bần trắng lớp phù sa mới
Tàu hướng trùng dương lấn biển sâu

Bạn có nghe lòng náo nức không?
Miên man sóng vỗ lúa ken đồng
Bờ sình đất sụp lên đường nhựa
Huyện đảo quê mình Tân Phú Đông

Trần Ngọc Hưởng






Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Khói bụi






Em ngồi nắn nót bên bàn viết

Bom nổ giựt mình nét chữ run

Vàng đọt mạ non luồng gió độc

Ta buồn rười rượi nghĩ mung lung



Mà xót thân em tủi phận mình

Héo hon trong tàn phá điêu linh

Đạn bom đe dọa từng giây phút

Khói bụi cay mù giữa chiến tranh



Chưa một lần thơ ấu ngủ yên

Ngày xanh u tối giấc triền miên

Gầy mòn chắt mót thương cây lúa

Thao thức bên con bóng mẹ hiền



Đừng hãi hùng kinh khiếp nữa em

Tiếng bom xa lắm…cứ ngồi yên

Viết với hoa tay dòng chữ mới

Tươi lên môi thắm mắt nai mềm



Hỏng rồi một chữ em đừng xóa

Viết tiếp chung dòng chữ đẹp hơn

Thanh bình đất nước sau binh biến

Ước vọng nở trên nỗi uất hờn


Trần Ngọc Hưởng

…………………………….



 In ở Tuổi Hoa số 116 ra này 15 tháng 10 năm 1969

Đã thất lạc nay nhờ bạn Đèn Biển sưu tầm tặng lại

Tác giả vô cùng biết ơn


Về quê ăn tết

Tranh Nguyễn Trung


Gió đổi chiều rồi năm sắp hết
Quê người nhiều lúc chạnh niềm riêng
Thấy đòn bánh tét cành mai tết
Tôi nhớ quê xưa nhớ mẹ hiền

Còn vài bữa nữa sao lâu quá
Tôi đếm trên tay tự nhủ lòng
Mẹ mong mình lắm ngày kề tết
Con sắp về đây! mẹ biết không?

Từ lên lớp lớn ra trường tỉnh
 Xa hẳn làng quê đã mấy mùa
Đôi lúc chạnh lòng tôi bỗng thấy
Thương về thầy cũ mái trường xưa

Ôi thương sao thuở tôi còn bé
Áo mới đầu năm chúc tết thầy
Chai rượu gói trà thầy có biết
Trọn lòng trò nhỏ gửi vào đây

Đất khách chiều nay người xứ cũ
Nghe hồn khơi lại chút tình quê
Chỉ trong một phút lòng se hẳn 
Cả khỏang trời xưa bỗng hiện về

Vang trong tiếng pháo câu mừng tuổi
Muôn nụ cười tươi khắp lối mòn
Trời đẹp long người vui trẻ lại
Già thêm tuổi nữa cũng còn non

Người từ tứ xứ về quê cũ
Ngày tết còn gì có nghĩa hơn
Dưa giá thịt kho dưa hấu đỏ
Xôi vò cơm rượu nếp than thơm

Cầu cho gió thuận mưa hòa mãi
Mừng thấy vườn xanh trái nặng cây
Tiếng hát được mùa trong nắng sớm
Lưng trời đẹp mãi cánh diều bay 

Tôi thấy chiều nay trời đẹp quá
Trông sao giờ cuối trống trường tan
Xong tiếng chia tay cùng lũ bạn
Tôi theo đò máy trở về làng

Cuối năm về xứ đi đò máy
Hứng gió sông theo nhịp sóng nhồi
Ngắm lục bình trôi triều nước lớn 
Tôi về ăn tết với quê tôi


Trần Ngọc Hưởng

…………………………….



In ở Tuổi Hoa số 100 Xuân Kỷ Dậu ra ngày 1 tháng 2 năm 1969

Đã thất lạc nay nhờ bạn Đèn Biển sưu tầm và tặng lại

Tác giả vô cùng biết ơn

Hương tình quê mẹ


                                                            Tranh Vi Vi 

Uốn khúc vườn xanh giữa ruộng vàng

Cây da che bóng bến đò ngang

Vàm Giồng rụng trắng bông bần nở

Ta thả mái chèo tách bến sang



Lờ lững trên sông tiếng hát mềm

Phù sa cuộn chảy mặn nồng thêm

Đắp bồi đầt mẹ từ muôn thuở

Rạ ngọt thơm mùi gạo móng chim



Quê hương ta Cù lao Lợi Quan

Một phần máu thịt Cửu Long Giang

Ngả Tam Điền kết tình trăm họ

Khói sóng hòa hơi thở xóm làng



Mát rượi bóng dừa xanh cố hương

Lòng ta ray rức ngậm ngùi thương

Sông hồ bao kẻ còn xa xứ

Đất lạ riêng mang một nỗi buồn



Khói biếc cánh diều lượn vút không

Đồng thơm hương mạ ngát hương lòng

Hương tình Tân Thới nghe từ thuở

Hoa trái tươi màu sóng Cửu Long

Trần Ngọc Hưởng
…………………………….

In ở Tuổi Hoa số 112 ra ngày 15 tháng 8 năm 1969

Đã thất lạc nay nhờ bạn Đèn Biển sưu tầm và tặng lại

Tác giả vô cùng biết ơn

Tình quê



                                           Tranh Vũ Thái Hòa





Gạo phụng lùn vo với nước mưa

Thơm mùi rạ ngọt bữa cơm xưa

Nấu bằng nồi đất màu than đượm

Ray rức tình quê dưới bóng dừa



Hòa Bình* đây buổi ta về xứ

Ghé tạm nhà quen đợi chuyến đò

Một bữa ăn trưa còn nhớ mãi

Đôi dòng tâm sự viết thành thơ



Xao xác gà ai gáy trễ tràng

Sóng xô lớp lớp chuyến đò sang

Ngọn vàm Tam Lạch ta dừng bước

Cửa Tiểu hòa hơi thở xóm làng



Tân Thới dù xa mé đất liền

Xuôi dòng máu vẫn đổ về tim

Quê hương ta đẹp trên dòng nước

Bao mối thâm tình thắm đượm thêm



Trôi tan khói nước mộng công hầu

Bom đạn đong đầy cuộc bể dâu

Tàn phá thêm đau lòng đất mẹ

Tình quê mạch đất nối liền nhau…


Trần Ngọc Hưởng
…………………………….
Hòa Bình là tên một huyện của tỉnh Gò Công cũ có nhiều xã

trong đó có xã Tân Thới quê của tác giả



In ở Tuổi Hoa số 106 ra ngày 15 tháng 5  năm 1969

Đã thất lạc nay nhờ bạn Đèn Biển sưu tầm tặng lại

Tác giả vô cùng biết ơn



Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Khói sóng Tiền Giang


                                           Tranh Họa sĩ Vi Vi 

Hòa hơi thở xóm làng
Ôi! Khói sóng Tiền Giang
Muôn đời gắn bó
Mỗi dòng sông như mỗi dòng máu đỏ
Chảy trong lòng người hay đổ vội ra khơi
Chở phù sa hay chở óc tim đời
Luôn bồi đắp quê ta từ vạn thuở
Không nhớ lúc nào kết nên duyên nợ
Giữa mây lành gió vỡ bụi mù xa
Có ngày kia chợt bừng dậy lời ca
Nào giọng ngọc giọng ngà rót lên vang rền kiêu hãnh
Ta chim Lạc chim Hồng đua nhau vỗ cánh
Góp lại muôn bàn tay
Trên dải đất này
Còn đây muôn tiếng nói
Ôi bến Tiền Giang
Ôi! Ngày mở hội
Đêm giao mùa khói sóng kết ngàn hoa
Có phải đây làn tóc bạc mẹ già
Hình ảnh đẹp muôn đời còn mãi mãi
Xanh lá đầu xuân cây lành đơm trái
Bừng lên hơi thở xóm làng
Lung linh khói sóng Tiền Giang…

Trần Ngọc Hưởng
In ở Tuổi Hoa số 104 ra ngày 15 tháng 4 năm 1969
Đã thất lạc nay nhờ bạn Đèn Biển sưu tầm tặng lại
Tác giả vô cùng biết ơn



Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

< div class="MsoNormal">
Chắp cánh ca dao




… Ai qua Cửa Tiểu
Ngược bến sông buồn
Hồn nhiên mộng giấc bình thường
Dừa cau tóc xõa đêm sương trắng bờ
Sông đầy sóng vỗ ngẩn ngơ
Dừng chân ngủ giữa đêm mơ thái bình
Dưới rặng bần xanh
Mộng lành chớm nở
Đâu thuở bình yên
Nghe rơi rơi tiếng độc huyền
Điệu thơ buồn Lục Vân Tiên chan hòa
Làn hơi vọng cổ đậm đà
Giăng giăng khói sóng đêm ta ngậm ngùi
Niềm khuya nhịp võng à ơi …
Tiếng thơm mùi sữa đọng lời mẹ ru
Thuyền về Cửa Tiểu
Chở bóng trăng thâu
Đây miền nước bạc sông sâu muôn đời
Tình quê tình nước khôn vơi
Quanh ta bát ngát khoảng trời quê hương

Trần Ngọc Hưởng

In ở Tuổi Hoa số 114 ra ngày 15 tháng 9 năm 1969
Đã thất lạc nay nhờ bạn Đèn Biển sưu tầm tặng lại
Tác giả vô cùng biết ơn

Dấu chân huyền sử

                                          Điêu khắc của Vi Vi 


Từ với chuyến đi
Cha đến Ba Vì
Mẹ về Đông Hải
Cành huyền sử đơm hoa từ thuở ấy
Chén tây lầu đọng mãi bóng Trương Chi
Khách ngai vàng nhỏ lệ khóc Bằng Phi
Người muôn thuở trách gì trai Phạm Thái
Kẻ Việt người Tần xa cách mãi
Nước Loa Thành ngọc Đông Hải khôn nguôi
Khói ca dao mây cổ tích ngậm ngùi
Này Giáng Tiên ơi!
Bích Câu hồn xưa cách vời
Làn môi Giao Chỉ nét cười Phong Khê
Bên nớ bên tê
Bước Mẹ Cha về
Lời ru dựng Nước
Sông bát ngát trườn theo màu cỏ mượt
Núi muôn trùng khoe tóc mướt với trời xanh
Lòng Mẹ sâu hơn biển Thái Bình
Nghe sóng cả gợn tình
Đàn con mở hội
Triệu triệu cánh tay góp đi thành tới…

Trần Ngọc Hưởng
In ở Tuổi Hoa số 113 ra ngày 1 tháng 9 năm 1969
Đã thất lạc nay nhờ bạn Đèn Biển sưu tầm tăng lại
Tác giả vô cùng biết ơn



Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Họa khúc Sông Tiền


Tranh Vũ Thái Hòa

Thổi lồng lên gió Tháp Mười

Hương Giang, ơi hỡi ơi hời ! Hương Giang!

Chút tình Tôn Nữ nặng mang,

Thương ai lửa thắp tro tàn Huế xưa



Buồn vui thầm gọi khẽ thưa

Nam bình thoảng khúc âm thừa… đêm sâu

Giăng đồng nước nổi… sáu câu

Lục bình trôi buổi lãng du… anh về



Bổng trầm buông bắt say mê

Nổi trôi rót giọng xuống xề mà đau!

Mời em nâng một chén đầu

Chạm vào một chút thẳm sâu cõi mình



Trời quê trong vắt vòm xanh

So dây tài tử,so tình mênh mang

Tràm Chim xuân đọng giọt đàn

Ghi ta thánh thót ngổn ngang nỗi người



Đến đây cuối đất cùng trời

Đâu ai nỡ cắt ngang lời ai đâu!

Mời em cạn nốt  chén sau

Hương Giang họa khúc sáu câu sông Tiền!



Trăng rằm soi tỏ Tràm Chim

Lênh loang câu hát buộc duyên nôï vaøo

Hai dòng sông… hợp lưu nhau

Tạ lòng tri kỷ nặng sâu tình nồng!


TRẦN NGỌC HƯỞNG

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

DƯỚI BÓNG PHONG BA
Trần Ngọc Hưởng

                                                           Tranh Thái Tuấn 

Tay ai mở đất mùa xưa ấy

Gieo xuống mầm xanh giữa dặm dài

Từng gốc phong ba bờ cát trắng

Hồng lên như lửa vết chân ai



Da nhuộm nắng trời hồn thấm mặn

Biển đầy đọng mãi mảnh trăng nghiêng

Từng cơn gió thổi rung lời mẹ

Xa mút đường chim phía đất liền



Ngọn lửa thiêng nào ai đã nhóm

Bao đời truyền tiếp giữa trùng khơi

Cắm chân trên cát nhen trên cát

Cháy bập bùng lên giữa biển trời



Đời đời cát đá mang hồn nước

Chẳng dạt trôi không bị nhấn chìm

Trời nước mênh mang ngàn sóng dữ

Trường Sa dải đất đã dằn lên



Nắng thiêu cát bỏng bờ môi đắng

Lưng dựa san hô xẻ chiến hào

Từng giọt mồ hôi từng hớp nước

Khát lòng nhưng vẫn sống vì nhau



Dưới bóng phong ba bao lính trẻ

Bồi hồi như đảo cũng xa quê

Nhớ nhà súng trận tay thêm chắc

Cùng cả cha ông đã hẹn thề…




Gửi Trường Sa

                                   Tranh Thái Tuấn 





Như neo vào biển bao la

Trường Sa ơi! Núm ruột ta cồn cào

Sóng gầm giận dữ ầm ào

Lồng lên gió mặn thét gào ngày đêm



Chẳng tìm ra phút lặng yên

Ngỡ như bão giật triền miên đêm ngày

Quất vào đau rát mặt mày

Gió tung sóng dựng cát bay tầm tầm



 Phút nào lửa bốc dưới chân

Bốn bề cát cháy vỡ bùng nắng ra

San hô nở mãi thành hoa

Đằm mình dông bão phong ba trắng ngần



 Chung chiêng mái bạt tầng tầng

Bao người lính trẻ cắm chân miệt mài

Hóa cây tỏa bóng xanh dày

Luôn gan góc với trời mây thủy triều



 Rập rình bóng giặc sớm chiều

Dẫu là vỏ ốc vỏ nghêu cũng là...

Hiểu Trường Sa đến xót xa

Từng dòng máu nóng hực ra sóng lừng



 Ngọn cờ giữa ngực triều dâng

Gió cuồn cuộn đỏ rưng rưng tim người

Giặc còn bão lửa khôn nguôi

Phong ba vẫn sắc xanh ngời mai sau



Trần Ngọc Hưởng