Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Miền gái đẹp


Tranh Lê Đình Quỳ




Nghe nói Gò Công miền gái đẹp
Bao đời nức tiếng đất vương phi
Đồng chua nước mặn lên nhan sắc
Hoài nét duyên xưa tuổi dậy thì

Trong phố có làng, làng có phố
Trăm năm hương khói phả mơ màng
Tường hiên cột gỗ đêm trầm mặc
Mái ngói âm dương bóng nguyệt lan

Bẽn lẽn cành sương thơm sắc lá
Ngập ngừng nắng đọng tiếng chim ca
Lắng tai thoảng tiếng chuông chùa vẳng
Từng giọt châu rơi mắt mẹ già

Nóc đình rêu phủ con rồng đá
Ghếch mõm trông vời chẳng nói năng
Còn có điều gì đang chất chứa
Oan tình chỉ muốn hỏi trời chăng?

Trăng tròn vàng rực treo lơ lửng
Nghiêng mặt thẹn cười nâng rượu lên
Nét đẹp hồn nhiên mà quyến rũ
Một lần hạnh ngộ dễ chi quên


Nhẫn nại  hiền hoà miền cửa biển
Lặng thầm kia dáng mỹ nhân ngư
Đêm nay phố cổ khu nhà cổ
Chén rượu men tình…cứ ngỡ như ;
Trần Ngọc Hưởng



Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

0">
                         GIỮ HƯƠNG QUÊ GÒ
                                          ****
           NHÀ THƠ TRẦN NGOC HƯỞNG



                                      Tranh sơn dầu Phúc An
     







 Tôi có nghe và đọc nhiều bài thơ của Trần Ngọc Hưởng từ lâu, trước cả 1975. Tôi chưa biết mặt Trần Ngọc Hưởng, dù rằng đã biết tên nhà thơ không phải là tên thật. Từ năm 1961 tôi có dạy Trung học Gò Công, trường nhà thơ Trần Ngọc Hưởng học, nhưng vì cứ bị đẩy ra, trở vào 3 bận nên không gặp người học trò sớm có năng khiếu làm thơ nầy. Cũng không gặp nhiều học trò sẽ là các nhà thơ của Nhóm thơ 20 Gò Công vang bóng một thời. Tôi tự hỏi sao cái loáng tôi vắng mặt ở trường lại xuất hiện nhiều “thi tài” lắm thế. Vô duyên là tôi, không có nhà thơ nào xuất từ trường là học trò thiệt của tôi. Sau nầy dạy lại được trường Trương Định, ngôi trường Gò Công cũ, tôi có chắt chiu lại những cái tên của nhóm thơ xưa từng học ở ngôi trường nầy. Chỉ có nhà thơ Trần Anh Tài là rõ người, còn các bài thơ rõ đẹp với những cái tên ký rõ là không biết người học trò cũ nào ở trường. Nào Dạ Huyền, Đan Dạ Uyên, Như Uyên Thủy, và cái tên kể như thật Trần Ngọc Hưởng hóa là một “mảnh tương tư”. Nhà thơ thường "chua" thêm hai câu thơ ý nhị: "Ta vẫn mượn tên em làm Bút hiệu, Như đã chọn Gò Công làm quê hương"...
   Tên mượn đó là:                                               
Trần Văn Sáu, sanh năm 1950,
quê quán: Tân Thới Gò Công,
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Các tập thơ đã xuất bản:
Bẻ lá che hường – NXB Long An 1996
Đồng vọng – NXB Long An 1992
Tay phấn – NXB Long An 1992
NXB Trẻ 1994, 1995
Tuổi 40 – NXB Thanh Niên 2000
Chân dung thơ – NXB Thanh niên 2002, 2003
NXB Đồng Nai 2006
Cuống rún chưa lìa - NXB Văn Nghệ 2005
Suối nguồn xanh – NXB Văn Nghệ 2006
Từ chín dòng sông vọng cổ - NXB Văn Nghệ 2007
                                                                                                                                                 Và quê hương chọn từ:   

      NHỚ NGUỒN

Giạt trôi từ đất Quảng
Lênh đênh chiếc ghe bầu
Tấp bên bờ Vàm Láng
Lại thả lưới giăng câu

Nột tổ ta ngày đó
Thời mở đất hoang sơ
Cọp gầm rung ngọn cỏ
Sấu lềnh khênh trên bờ
Tiếng đàn khuya lãng tử
Mang mang mặt nước đầy
Đọng nỗi sầu xa xứ
Mảnh trăng gầy lắc lay

Bảo năm thìn gió độc
Thổi bạt đất Gò Công
Ai theo dấu tràm lục
Gác chèo ghé Hoà Đồng

Cửa Tiểu và Cửa Đại
Đưa nôi ru tình người
Đắp cù lao bờ bãi
Đắp bồi mãi không nguôi

Sương gieo hồn lau lách
Bạc phơ đầu sóng xô
Đến ngọn Vàm Tam Lạch
Người ở lại đến giờ

Hoang sơ ngôi mộ tổ
Trầm mặc dáng thời gian
Bao nhiêu lần trăn trở
Quặn lòng nhớ Quảng Nam

        Trần Ngọc Hưởng
  Thơ Tiền Giang 1975 – 2005

      Năm 2005, tôi đọc được tuyển tập Thơ Tiền Giang và thấy Trần Ngọc Hưởng với 4 bài thơ được tuyển và tôi lấy bài thơ “NHỚ NGUỒN” để làm phần kết cho Chương: “Nguồn gốc xứ Quảng của dân Gò Công” của cuốn sách viết về địa phương của tôi là: GÒ CÔNG …VỌNG TIẾNG ĐẤT LÀNH, 
      Đối với tôi bài Nhớ Nguồn của nhà thơ Trần Ngọc Hưởng là một bản trường ca “hành trình của lưu dân ở lại”
Giạt trôi từ đất Quảng
Lênh đênh chiếc ghe bầu
Tấp bên bờ Vàm Láng
Lại thả lưới giăng câu
      Ôi đây là hình ảnh của những lưu dân có nguồn gốc từ xứ Quảng, không phải thân “bèo” để bị xô giạt và không là “mây” để bị cuốn trôi mà có ý mong tìm phương đất hứa. Ghe bầu, chiếc ghe chuyên chở đặc trưng vùng quê Quãng vào đến bờ Vàm Láng là đến chỗ Gò Công rồi vậy…
      Gò Công là đất “mở” với nghĩa “địa thế” và thấm đượm tình người. Ba cửa biển: Sòai Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại rộng thênh thang cho ghe bầu lui tới dọc đất liền, ghé ngừng nghỉ tạm hay xây đắp cù lao:
Cửa Tiểu và Cửa Đại
Đưa nôi ru tình người
Đắp cù lao bờ bãi
Đắp bồi mãi không nguôi
      Nhắc tới Cù lao, dãi đất gần mà xa của Gò Công, người Gò Công cố cựu vói tay, mãi níu kéo không cho dãi đất trôi xa!
      Giờ lưu dân thành cố cựu nhưng có lúc chạnh lòng nhớ đất xưa mà quặn lòng
Hoang sơ ngôi mộ tổ
Trầm mặc dáng thời gian
Bao nhiêu lần trăn trở
Quặn lòng nhớ Quảng Nam
      Đọc xong bài thơ tôi thấy nhà thơ đã khơi đúng mạch sầu ly xứ và thấy lịch sử Gò Công được khắc họa có từ một mảng nầy
      Nhà thơ lìa xa quê, có những lúc bâng khuâng nhớ quê, nhớ thời áo trắng học trò, ngôi trường trung học đơm tuổi hoa, tuổi ngọc, tập tểnh làm thơ bềnh bồng theo quê hương trùm lửa khói! Tuổi mộng dang xa, cuộc đời trầm nổi quê người, dù tất bậc, thuyền thương bến đổ, thơ thấm duyên người duyên tình để”
      Tôi còn gởi tặng
Tôi còn gửi tặng Gò Công
Lòng sau trước vẫn một lòng say mê
Cách xa mấy cũng là quê
Vẫn gieo hương ngát nẻo về thăng hoa

Đi đâu chẳng nhắc quê nhà
Câu thơ bất chợt quá ra nỗi lòng
Đâu thời trung học Gò Công
Tuổi hoa, tuổi ngọc…bềnh bồng thi ca

Đâu thời những bướm và hoa
Ngàn mây trắng lượn, một tà áo bay
Đâu thời lửa xém khói cay
Bồ câu trắng dậy men say nỗi niềm

Qua phà Cầu Nổi gặp em
Xao lòng một phút, bén duyên một đời
Chỉ là em với tôi thôi
Giạt trôi lắm nỗi quê người hanh hao

Chân mềm bước thấp bước cao
Một đời ly xứ bán rao nỗi buồn
Em tha hương, tôi tha hương
Bâng khuâng tâm thức rạ rơm một màu

Tôi còn gởi tặng ngàn câu
Khi còn lóng ngóng bên cầu nhân gian
Gò Công ơi! Nắng mơ tan
Tôi gom kỷ niệm đát vàng Gò Công.
    (Phù sa của gió – NXB Văn Nghệ 2007)
      Nhớ cứ mỗi lần về quê, cái quen xưa vẫn lạ, xưa gói gọn, giờ quê biết được thấy mênh mông, đâu còn túm tụm, từ bến đò tới bến đò nói liền cách trở, biết đâu rồi sẽ liền bờ. Cây sơ ri đến đất Gò bảy mươi năm thành cố cựu không rời, còn cá biển Vàm Láng vẫn tươi vẫn còn đượm mùi biển mặn. Quê nhà có đủ cây trái, mặn, chua chát, ngọt bùi, sông vẫn dài, biển vẫn rộng, tình cảm vẫn dung dị … Đến , về vẫn:

       Gửi lại Gò Công
Hẹn đón nhau về thăm phố cổ
Con đường bụi lấp dấu chân quen
Kinh Hàn mặt nước chao tôi nhớ
Xa cách bao năm bến đợi thuyền

Rợp bóng sơ ri trong nắng ửng
Giấu sau vòm lá nét môi hồng
Vịn cành đang lúc tôi vừa đứng
Em hát câu gì níu bước chân

Gặp lại mặn mòi làn gió biển
Ngỡ từng vảy cá dính trên vai
Nhớ ơi Vàm Láng lòng xao xuyến
Phố nổi rung bao đóm lửa chài

Ghe rổi vươn mình bung sức máy
Theo người câu hát vụt ra khơi
Trong từng mắt lưới phơi trên bãi
Vướng lại bao nhiêu tiếng nói cười

Vườn em Giòng Tháp hương ngan ngát
Sau buổi xa nhà nhãn vẫn xanh
Thăm thẳm trời trưa xòa bóng mát
Cho tôi khi ấy hiểu thêm mình
Quê biển một xa nghìn bịn rịn
Dễ chi không gởi trái tim nồng
Bao lần thầm gọi bao triều mến
Hai tiếng Gò Công em biết không?
                          Gò Công 1984

      Sau nầy, qua các năm của thế kỷ mới, tôi tặng sách Gò Công cho Trần Ngọc Hưởng, Trần Ngọc Hưởng tặng các tập thơ cho tôi. Tình nghĩa “thầy trò” kiểu muộn màn nhưng vui biết bao, già trẻ hiểu được nhau. Tôi vui biết nhà thơ Trần Ngọc Hưởng vẫn là Trần Ngọc Hưởng của tập thơ đẹp xuất bản mới nhứt năm 2010. Tập thơ “Mắt xanh thơ” thấy được giới thiệu ngọt ngào ở các diễn đàn, La Gi, Tân Châu xứ lụa...
      Tập thơ thật lạ, tất nhiên là hay, tôi đọc hoài vẫn chưa khép lại.
      Mừng Trần Ngọc Hưởng!

Tập thơ mới
 Mắt xanh thơ
NXB Hội Nhà Văn
2010




      Năm 2010, Trần Ngọc Hưởng xuất bản tập thơ lạ, lạ với nghĩa “ngộ”, nhà thơ có “mắt xanh” hiếm hoi.
      Tập thơ “MẮT XANH THƠ”, Trần Ngọc Hưởng ký họa hai mươi lăm khuôn mặt văn nghệ bằng thể thơ lục bát. Nhà thơ giới thiệu với những người yêu thơ về các văn thi sĩ đi tiên phong và hiện đại của miền Nam yêu dấu: Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Phi Vân, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, Bùi Giáng, Nhất Hạnh, Vũ Anh Khanh, Sơn Nam, Kiên Giang…….
      Trong bài thơ “Đọng hồn sông nước”, nhà thơ viết về nhà văn Hồ Biểu Chánh nhà văn lão thành cùng quê với tất cả sự trân trọng, quý mến.

     ĐỌNG HỒN SÔNG NƯỚC
Lội đồng bắt ốc mò cua
Lắt lay Ngọn Cỏ Gió Đùa ngã nghiêng
Chỉ nhờ tài học mà nên
Bình Thành rạng rỡ tuổi tên quê nghèo

Trang đời hạt nghĩa nhân gieo
Lên từng trang viết lớn theo tháng ngày
Quan to vẫn vẹn lòng ngay
Cao sang vẫn nhớ mãi ngày gian truân

Tuy không Đại Nghĩa Diệt Thân
Cũng là Cười Gượng, Khóc Thầm…nhiều phen!
Lời Thề Trước Miễu chông chênh
Nhân Tình Ấm Lạnh đảo điên khóc cười!

Tìm Đường, Lá Rụng Hoa Rơi
Trải bao Cay Đắng Mùi Đời nhục vinh
Những mong Sống thác với tình
Cho dầu Chút Phận Linh Đinh, Lạc Đường…

Đưa ai trở lại cội nguồn
Bức tranh Nam Bộ miệt vườn thời xưa
Con đò nhỏ chở hồn thơ
Tiếng gà thim thíp dọc bờ Tiền Giang

Nhà văn lớn đất phương Nam
Đọng hồn sông nước mênh mang bến bờ !
Lục bình nghìn cụm dật dờ
Vượt qua một cõi hoang sơ thế tình !

      Năm 1958, thi sĩ Ðông Hồ lấy tên các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, làm câu đối đi viếng
      tang ông Hồ Biểu Chánh như sau :
      Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tác phẩm viết trăm lẻ năm thiên,
     Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ cứng gió đùa, Tỉnh mộng,mấy Ai làm được.
     Cang thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng,
                                           thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi,   
     Thiệt giả giả thiệt, vườn văn xưa ghé mắt, Ðoạn tình
                                                               còn Ở theo thời.
      Năm 2010, Trần Ngọc Hưởng, kể các tác phẩm của nhà văn quê Gò
      Công trong thơ lục bát, tất nhiên cũng như Đông Hồ chỉ kể được một số tiêu biểu,
      nhưng qua khổ thơ chót, tôi thấy Trần Ngọc Hưởng thật có mắt xanh:

Nhà văn lớn đất phương Nam
Đọng hồn sông nước mênh mang bến bờ !
Lục bình nghìn cụm dật dờ
Vượt qua một cõi hoang sơ thế tình !
    Bốn câu trang trọng đối với nhà văn Hồ Biểu Chánh là một cách thể hiện công bình trong văn học sử
                         Viết lần nhất 2007
              Viết thêm lần nhì  01-08-2011

Phan Thanh Sắc

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Tiếng trống tựu trường


                                                Tranh Vũ Thái Hoà

Lại trở lại đây lại đến đây
Đường hoa gió lượn áo dài bay
Khoan thai em nhún đôi chân sáo
Hai cánh tay mềm thả trắng mây

Dưới vòm cổng mở trường trung học
Dáng áo dài thơm gót nữ sinh
Tiếng trống tựu trường vang dội mãi
Hoà theo nhịp đập trái tim mình

Chợt biết sáng nay em thức sớm
Gió se se lạnh ngực trăng rằm
Lối lên lớp mới thênh thang mở
Nhịp thở vui cùng nhịp bước chân

Nheo mắt cười chào bầy sẻ nhỏ
Của trời chim chẳng của riêng ai
Mới mười lăm tuổi em tinh khiết
Như giọt sương hồng ánh nắng mai

Cặp vở cùng vào năm học mới
Ngoan hiền từng sợi tóc em bay
Cổng trường gốc phượng già: Ai nhỉ
Lại trở lại đây lại đến đây?

Trần Ngọc Hưởng