Nước Mỹ qua cái nhìn rất Việt của NGUYỄN HỮU TÀI
Nước Mỹ qua cái nhìn rất Việt của NGUYỄN HỮU TÀI(*)
* TRẦN NGỌC HƯỞNG
Nguyễn Hữu Tài ( Hình bên cạnh)
Bút hiệu : HỮU TÀI
Sinh tại thôn 6, Thị trấn Ninh Hòa.
Cựu học sinh trường Đức Trí, Ninh Hòa 1 (Trường Tàu), và PTTH Nguyễn Trãi.
Tốt nghiệp tại University of Maryland, Baltimore County (UMBC),
ngành Công Nghệ, Thông Tin và Địa Lý.
Hiện định cư tại : Hoa Kỳ
Cuộc
đời mỗi người là những chuyến đi. Với người viết, thì chuyến đi càng
quan trọng hơn gấp bội, bởi được mở rộng tầm nhìn, học thêm nhiều điều
mới, làm giàu trang viết. Từ tập truyện ngắn đầu tiên của mình, Nguyễn
Hữu Tài đã chọn một cái tên rất gợi, Những chuyến thiên di, và có lẽ nó
cũng đã bắt đầu cho một định mệnh gắn liền với nhà văn còn khá trẻ này.
Nếu
trong tập truyện ngắn Cô đơn thẳng đứng, Tài “kể những câu chuyện về
phận người trên đất Mỹ xa xôi, đất Mỹ của những kẻ thiên di đi tìm một
chân trời khác”, thì trong hai mươi chín mẩu chuyện của Nước Mỹ có gì
vui, là hai mươi chín phân đoạn hồi ức của Tài về những chuyến viễn du
trong mười bốn năm xa xứ.
Từ chuyến đi khởi đầu định mệnh vào
tháng 6 năm 2000, đã khiến “từ đó đến cuối cuộc đời mình, tôi chỉ mãi là
cơn gió lạc miền vừa bay vừa buồn, dẫu có bay miết mà vẫn hoài trễ hẹn”
(Thiên di, là Tucson đầy gió và xương rồng sa mạc, cuộc đổ vỡ bong bóng
nhà đất ở Stockton, hay những đêm không ngủ ở Seattle bên triền Tây
nước Mỹ. Rồi Houston nóng bỏng nhưng ấm áp thâm tình bè bạn, Knoxville
đêm mưa buồn tỉnh lẻ phương Nam. Tới chuyến viếng thăm mười ngàn hồ ở
Minessota, tiểu bang của bơ và bò sữa Wisconsin ở miền Bắc. Cả đời Tài
mãi đi tìm một nhân vật nữ, có nụ cười rộng như đại lộ Broadway giữa
lòng New York, hay sự quyến luyến với thị trấn Riverdale, nơi Tài sống ở
miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
Nước Mỹ có gì vui là cuốn du ký đầy ắp
những thông tin Địa lý, Lịch sử, Văn hóa và con người xứ Mỹ. Tài dẫn độc
giả vào các club nghe một bản jazz ở New Orleans, khúc country ở
Nashville, bản đồng dao giữa Knoxville, tiếng gió thét gào mà ngỡ giọng
soprano vút cao ở Lake Worth, mùa hoa anh đào ở Washington D.C., tuyết
rơi trên đỉnh Rainier, nhà của đại văn hào Hemingway ở Key West, ngôi
sao cô đơn San Antonio, hay nỗi đớn đau phân biệt chủng tộc trăm năm
chưa nguôi của người da đen ở Birmingham lịch sử.
Nước Mỹ có gì
vui, còn là chuyến đuổi bắt miệt mài bóng thời gian, niềm trăn trở của
chàng trai chưa đủ già, cũng không còn quá trẻ trước cơn ba động của
cuộc đời; là cú sốc văn hóa quá lớn khi đối diện với đất nước Hữu Tài
đang sống; sự chết chóc, tang thương của nước Mỹ sau sự kiện 911; Những
lá thư tay của bè bạn và gia đình nuôi dưỡng ước mơ một lần được về quê
mẹ; vẻ sợ sệt của gã trai đôi mươi quê mùa khi đối diện với nụ hôn vồ
vập của người tình xứ Mỹ; hay Những mùa hoa bỏ lại bên đường, bốn mùa
lộng gió. Hình như trong bất kì hoàn cảnh nào, bất kì không gian nào,
một nỗi buồn, niềm lẻ loi dằng dặc luôn hiện hữu trong chính con người
tác giả.
Bằng khả năng tung hứng ngôn từ rất gợi hình, gợi
thanh, bằng giọng điệu tự nhiên, thuần hậu quen thuộc, Hữu Tài đã vẽ nên
bức tranh sống động của các tiểu bang và phố thị đã đi qua, với phong
vị lạ lẫm và đầy cảm xúc. Giọng văn của Tài đôi lúc u hoài, man mác của
những Thạch Lam, Thanh Tịnh gần trăm năm trước, “Lúc này chỉ còn tiếng
thở nhè nhẹ của chúng tôi và tiếng gió xôn xao lướt nhanh trên lá. Nơi
đây không còn là Shenandoah, mà như một vùng tiên cảnh nào đó trong
truyền thuyết ngàn xưa. Tôi với Minh sao giống Lưu, Nguyễn ngày xưa lạc
bước hồng trần lên cõi thiên thai, rồi quên chốn cũ, đắm say trong lời
ca, tiếng nhạc, bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền. Ai hát trên bờ
Đào Nguyên.” (Shenandoah, mùa cây trút lá); khi thì bông đùa, trêu chọc,
ngôn ngữ hiện đại đầy chất 8x, 9x, “tôi thề, tôi cá”, “Mà năm tháng lúc
này cứ vội vã như viên đá tan nhanh trong ly chè đậu xanh phổ tai giữa
ngày nắng khát, như dĩa cơm vịt mọng mỡ bày ra trước mặt kẻ xa nhà bao
ngày chưa về lại quê xưa. Văn vẻ là vậy, chứ nói trắng ra là nó trôi
nhanh hơn lúc chó chạy trốn cơn Nam non giữa ngày hè nóng hổi.” (Đêm
buồn tỉnh lẻ Knoxville); rồi lả lơi, tình tứ “Washington D.C. mùa này
nhiều gió. Nắng gắt gao nhưng trời rất lạnh. Giáng sinh năm nay tuyết
không rơi nhiều như miền Bắc nhưng có cảm giác bàn tay anh đang đông
cứng lại. Không phải như Sài Gòn của em, mới khe khẽ lạnh thôi mà em đã
mặc áo dày, choàng khăn cổ, mọi người lên facebook than thấy thương về
một mùa đông bất chợt.” (From Washington D.C. with love); lúc lại đớn
đau nỗi chia lìa mất mát “Tôi ôm ba, khóc điếng. Ba về mạnh giỏi.Tiễn má
giùm con. Vài tháng nữa học xong con sẽ về nhen ba. Cầm tay. Bịn rịn.
Tôi chưa chuẩn bị gì cho phút chia tay này. Tôi chưa tưởng tượng nó sẽ
đau đớn như thế này. Tôi không muốn mỗi ngày đi học, đi làm về mà không
thấy ba ngồi đợi..” (Mùa đông lạnh và dài nhất).
Hai năm, từ sau
tập truyện ngắn Những chuyến thiên di, Tài đã cho ra đời thêm bốn tác
phẩm Nỗi buồn rực rỡ, Cô đơn thẳng đứng, Chồm hổm giữa chợ quê và Nước
Mỹ có gì vui. Mỗi cuốn sách là mỗi đề tài hoàn toàn khác biệt, từ trang
viết đậm phương ngữ và hàng trăm món ăn Ninh Hòa, tới những lần về Sài
Gòn vội vã, đến số kiếp, phận đời giữa nước Mỹ đầy thực dụng, đâu cũng
thấy tấm lòng của người con xa quê, đau đáu yêu đất, nhớ người chốn cũ.
Từng câu chữ thổn thức, tâm trạng dùng dằng, nửa đi, nửa ở, nửa muốn
tiếp tục tháng ngày phía trước, nửa muốn dừng bước phiêu linh, làm lại
đời mình sau bao biến thiên thời cuộc.
Tài tự hỏi Nước Mỹ có gì
vui, nhưng tôi nghĩ, Tài đã tìm ra được câu trả lời xác đáng. Bởi nước
Mỹ dẫu cho Tài một cuộc sống vật chất ấm no, cấp bằng, danh vọng, nhưng
đã lấy không ít của Tài những ấm êm, hoài bão. Để rồi giữa cơn mơ chập
chờn chắp vá, hình ảnh ba má vẫn về ẩn hiện, thầm thì đôi lời thương
nhớ, dặn Không được khóc ở Maryland, và lặng lẽ ra đi không lời từ biệt.
Nhà thơ nước Nga Raxin Gamzatov từng nói“Người ta có thể tách con người
ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người
được”, và có lẽ, Nguyễn Hữu Tài cũng không nằm ngoài quy luật muôn đời
ấy.
Mười bốn năm dài sống đời viễn xứ, nhưng dường như trái tim Tài chưa bao giờ thiên di ra khỏi những nồng nàn quê mẹ.
Bên bờ Vàm Cỏ Tây, những ngày vào xuân Giáp Ngọ 2014.
Trần Ngọc Hưởng
(*): Lời giới thiệu Cuốn Nước Mỹ có gì vui Của Nguyễn Hữu Tài. Nxb Văn Hóa Văn Nghệ, tháng 3 năm 2014
Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014
Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014
Mùa sạch cổng tình - Thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG
* Thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG
Nhà thơ Trần Dần (1926 – 1997)
Tác phẩm chính: Người người lớp lớp, Nhất định thắng,
Những ngã đường và những cột đèn, Mùa sạch, Cổng tình…
Người người lớp lớp về đâu?
Niềm vui chưa tới nỗi sầu hiện ra.
Màu cờ đỏ hạt mưa sa,
Đi không thấy phố, thấy nhà, thấy ai…
Chân trời không có người bay,
Người bay mất biệt đâu đây chân trời.
Nhủ mình nhất định thắng thôi,
Năm năm lao cải… chao ôi! Trần Dần…
Miệt mài thơ kiểu cách tân,
Sổ thơ, sổ bụi, gian truân… sổ đời.
Thương nhà đành viết văn chui,
Vẽ tranh tô ảnh tự nuôi thơ mình
Những ngã đường những cột đèn,
Phận người một thuở chênh vênh khóc cười.
Thơ in ra lại thu hồi,
Đã tan đâu chuyện lỡ bồi biển dâu.
Văn chương dễ khiến bạc đầu,
Vuốt sao cho phẳng nếp nhàu nhân sinh.
Còn đây mùa sạch cổng tình,
Cho đời góp nhặt dỗ dành mai sau
Trần Ngọc Hưởng
Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014
Sài Gòn niềm nhớ - Thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG
Sài Gòn niềm nhớ * Thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG
Nguyễn Đình Toàn, nhà văn, nhạc sĩ, thi sĩ sinh năm 1936 tại Hà Nội, tác giả của rất nhiều tập truyện in từ 1962 đến 1975 tại Sài Gòn và của rất nhiều ca khúc và thơ. .
Tác phẩm:
1. Chị em Hải 2. Con đường
3. Ngày tháng 4. Giờ ra chơi …Bông hồng tạ ơn
Nhạc:Sài Gòn niềm nhớ không tên
Chị em Hải cũ có còn,
Ở đây hay bỏ Sài Gòn… vượt biên?
Hoa vàng tượng đá… công viên,
Sài Gòn niềm nhớ không tên…Sài Gòn!
Nhớ sao ngày tháng, con đường,
Hàng me già lá rơi vương tóc mềm
Giờ ra chơi nhớ hay quên
Bóng vang một thuở sinh viên ngọt ngào
Mắt trông vời với mây cao,
Ngọn đèn nào thắp cho nhau, ngọn đèn…
Khô dòng lệ cạn đưa tin,
Vượt bao ghềnh thác lênh đênh phận người
Lòng đau bão táp khôn nguôi,
Cõng tình nhìn cuộc khóc cười mà say.
Cũng đành giữ chút men cay
Đàn xưa đợi phút so dây cùng người.
Mừng cho cây cãi về trời,
Bông hồng nở tạ ơn đời… thơ ca.
Sài Gòn niềm nhớ đâu là,
Sầu người sao để thơ ta gieo thầm
Trần Ngọc Hưởng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)