Người ở đừng về
Đã qua cầu áo vuột bay,Sao em nỡ vội chia tay rụng rời.
Đừng về, ở lại, em ơi!
Lời chưa hát kịp… bóng người vút xa.
Trăng rằm đâu dáng Hằng Nga,
Về quê Kinh Bắc, em xa mịt mờ
Sông Cầu nước chảy lơ thơ,
Sông Thương dạt bến trôi bờ ngửa nghiêng.
Áo còn anh giữ hơi em,
Mà ngơ ngẩn mãi biết tìm em đâu.
Toan đem dải yếm làm cầu,
Theo câu quan họ bạc đầu chẳng hay.
Còn anh đổ bóng trong tay,
Nào đêm tưởng tiếc, nào ngày vấn vương.
Đâu rồi khúc hát mười thương,
Hoa tương tư nở thắm vườn chiêm bao.
Về quê có nón quai thao,
Để quai anh mượn buộc vào lòng anh.
Ngàn câu quan họ trữ tình,
Gừng cay muối mặn dẫu mình xa nhau.
Tắm lại sông quê
Về quê xưa tắm hụp mình,Ta kỳ cọ sạch mảnh hình hài ta.
Mẹ sông vỗ nước chan hòa,
Sạch trơn khói bụi phồn hoa thị thành.
Sạch trơn ảo mộng hư danh,
Miếng cơm manh áo … nỡ hành hạ chi.
Chức danh chức vụ chức gì,
Hơn đâu một tiếng cười khì … sạch trơn
Chẳng còn lấm láp phố phường,
Về đây là để soi gương thấy mình.
Cù lao tiếng sóng dỗ dành,
Má ru con dưới cội tình đung đưa.
Dừa cau xanh ngát mấy bờ,
Đưa ta trở lại khúc thơ dại đầu.
Vườn cắt rốn, ruộng chôn nhau,
Muối gừng tre trúc về đâu cũng về.
Ta về tắm lại sông quê,
Qua rồi bến tỉnh bờ mê cợt đùa
Hỏi đời đã xế chiều chưa?
Mà lòng ta cứ như vừa hửng lên.
Trách em quan họ
Hội về em trẩy kịp chưa,Bắc Giang thấp thỏm lo mưa Sài Gòn
Tiếng đàn sáo hát véo von,
Liền anh liền chị đêm còn đợi đêm
Mà anh mỏi ngóng tin em,
Chỉ se lỏng mối đường kim ơ hờ
Cuối trời tít tắp xa mơ,
Cuộn làn mây hửng sương mờ dáng ai
Trầu têm cánh phượng nồng say,
Ai đang đưa mắt liếc mày thiết tha.
Sông Thương chảy lạc đâu xa,
Để con xít lội cùng ta kiếm tìm
Vướng câu quan họ nhói tim,
Mênh mang một nỗi nhớ em đêm này
Gập ghềnh nắng trả mưa vay,
Lòng không là rượu mà say thấu lòng.
Mà anh chín đợi mười mong,
Thẩn thơ con nhện giăng mùng về đâu
Em xa bến nước sông Cầu,
Hội Lim sao chẳng nhớ nhau mà về!
Trần Ngọc Hưởng