Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

THẦY GIÁO LÀ M THƠ
TRẦN NGỌC HƯỞNG
CÁC TẬP THƠ
ĐÃ XUẤT BẢN CỦA ANH

Tranh Lê Phổ



“Đề tài thơ hay dòng thi hứng của Hưởng là các cảnh sắc bình thường gần gũi, các hình ảnh bé nhỏ, quen thuộc trong đời sống thường nhật. Dòng thơ của Hưởng thật bình dị, chân thành, đậm màu sắc quê hương miền Nam, vừa thực, vừa lãng mạn trữ tình, sâu lắng với nhiều cảm xúc”...


Tôi đang có trong tay HAI trong số BA tập thơ đã xuất bản của TRẦN NGỌC HƯỞNG, là BẺ LÁ CHE HƯỜNG (NXB/LA -1989) và TAY PHẤN (NXB/LA -1992). Riêng tập VƯỜN XƯA không rõ được xuất bản năm nào (?). Dù không đủ ba tập, nhưng tôi cũng tương đối có suy nghĩ về TRẦN NGỌC HƯỞNG, bởi vì trước khi có được hai đầu sách của anh, tôi đã đọc rải rác thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG trên các báo và tạp chí xuất bản tại Sài Gòn từ những năm 1964 đến 30-4-1975 và mãi sau nầy trên các trang báo địa phương trong nước. Đặc biệt, từ năm 1968 đến 1975, lúc chúng tôi thực hiện chương trình Tiếng Thơ VỀ NGUỒN trên đài phát thanh CẦN THƠ hằng tuần, thì TRẦN NGỌC HƯỞNG là cộng tác viên gởi thơ về góp mặt nhiều nhất. Anh và nhà thơ TRẦN ANH TÀI của nhóm thơ 20 Gò Công là hai cây viết sung sức suốt nhiều năm cộng tác với chương trình Tiếng Thơ của chúng tôi. Cho nên, đối với TRẦN NGỌC HƯỞNG, chúng tôi cũng đồng ý kiến với thi sĩ KIÊN GIANG Hà Huy Hà là: "Đề tài thơ hay dòng thi hứng của HƯỞNG là các cảnh sắc bình thường gần gũi, các hình ảnh bé nhỏ, quen thuộc trong đời sống thường nhật. Dòng thơ của HƯỞNG thật bình dị, chân thành, đậm màu sắc quê hương miền Nam, vừa thực, vừa lãng mạn trữ tình, sâu lắng với nhiều xúc cảm". Và, chúng tôi thấy rất rõ, tình yêu – quê hương – cuộc sống liên tục được biểu hiện qua từng lời, từng câu chữ của thơ anh, mà hình ảnh MẸ càng lộ rõ nét ở nhiều bài thơ xuất hiện trong tập. Ngay như bài thơ BIỂU TƯỢNG (tr.27-28) trong tập BẺ LÁ CHE HƯỜNG, chỉ là hình ảnh của một cây chuối trổ buồng, nhưng HƯỞNG đã cảm nhận một cách sâu sắc về MẸ:

BIỂU TƯỢNG

Làm người xa xứ ta sùng bái
Tình nghĩa nhà quê vẫn đậm đà
Cây chuối trổ buồng là biểu tượng
Vô cùng dũng cảm mẹ hiền ta!
                             
Oằn vai đùm bọc đàn con, nặng
Một lũ hài nhi xúm xít nhau
Bẹ rũ thâm tình che bóng mát
Hút dòng sữa đất rễ ăn sâu.

Nhẫn nại hút từ lòng đất tổ
Dưỡng nuôi lũ trẻ lớn khôn lên
Bẹ gầy, lá úa thân còm cõi
Chắt mót mẹ còn một trái tim.

Trốc gốc rễ trồi lên mặt đất
Mẹ còn gượng đứng chỉ vì con
Nghèo nàn vẫn cố công bươn chải
Che chở bên mình lũ trái non...

 Ai đã về quê bên xóm cũ
 Lặng nhìn cây chuối trổ buồng chưa?
 Có nghe lòng bỗng thương vô hạn
 Trọn kiếp mẹ hiền chịu nắng mưa

                                  Cầu Huyện Gò Công 1964
                                   (TNH - BLCH, tr.27-28)

Viết về TRẦN NGỌC HƯỞNG, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một khuôn mặt có hai nguồn sáng tác khác đặc biệt, đó là một nhà giáo làm thơmột người làm thơ bình thường trong cuộc sống mà hằng ngày quẩn quanh với cơm áo gạo tiền, nhưng nguồn thi hứng thì chưa bao giờ bị bào mòn bởi hoàn cảnh sống ngoài xã hội.

Trước hết, xin nói, TRẦN NGỌC HƯỞNG là một nhà giáo làm thơ. Mỗi người trong chúng ta bước vào cuộc sống ai cũng có thời gian sống dưới mái trường, làm học trò với sách vở cầm tay. Với thầy dạy học, thời gian đó chất chồng thêm, đậm sâu dấu ấn hơn lên, có thể tăng theo màu tóc và nếp nhăn trên vầng trán. Tâm tư, tình cảm dành cho hình tượng người thầy biết nói làm sao cho hết. Có thể đó là lời biết ơn, kính trọng. Có thể đó là lời trần tình của thầy đối với học trò thân yêu, của thầy đối với đồng nghiệp, của thầy khi đối diện với chính mình. Anh TRẦN NGỌC HƯỞNG là một người thầy, lại là một người thầy say mê sáng tác thơ. Suốt hơn hai mươi năm sống và dạy học tại đất Tân An (Long An), nhất là dạy tại trường Cao Đẳng Sư Phạm, nơi đào tạo thế hệ thầy cô giáo tương lai... cho nên anh đã tự chọn một góc nhìn khá lý thú để ôn lại thế giới kỷ niệm trôi ngang phận mình, mà anh tập trung thể hiện trong tập thơ mỏng mang tên TAY PHẤN. Đây là tập thơ quá mỏng, chỉ chứa vỏn vẹn 10 bài trên 24 trang sách và ra mắt gần đúng thời điểm ngành giáo dục trong nước kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 hằng năm, mang một ý nghĩa trình làng khá đặc biệt. Càng đặc biệt hơn nữa đối với TRẦN NGỌC HƯỞNG, đây là ấn phẩm kỷ niệm 20 năm tác giả về làm thơ và dạy học tại Tân An (1972-1992). Mở đầu tập thơ, anh đã giới thiệu ngay bài thơ NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN, phải chăng anh muốn nói tới luân lý đạo đức làm người, nhất là dân tộc Á Đông như Việt Nam chúng ta từng hấp thụ văn hóa phương đông, với tư tưởng Khổng Mạnh, mà thứ bậc Thầy đứng trên Cha Mẹ, chỉ dưới Vua mà thôi (Quân Sư Phụ)!  Thầy đã:

(...)
Tấp tểnh miệt mài... ngày tháng
Thương thầy chữ mới cắn đôi
Ngọn lửa tim người khai sáng
Lành thơm bài học đầu đời.

Lặng lẽ thầy như ngọn đuốc
Mồi sang thắp sáng hồn ai
Ánh lửa âm thầm xuôi ngược
Cùng ai suốt chặng đường dài.

Từ nét chữ đầu chập chững
Cầm tay thầy tập con đồ
Hẹn sẽ làm nên dáng đứng
Từng câu, đoạn... của bài thơ.
(...)
                                   (TNH - TP, tr,5-6)

 Bởi nhắc tới thầy cô giáo là nói tới lòng tôn sư trọng đạo, với những cái đẹp diệu kỳ, cao quý của những người khoác lên vai mình một thiên chức kỹ sư (tâm hồn), khai đường mở lối cho mỗi trí tuệ, là ngọn đuốc thắp sáng mỗi tâm hồn ngay từ thuở còn thơ. "Ai chẳng một thời thơ ấu" trong đời? Để rồi:

Học trò lớn lên danh vọng
Dẫu bay vút tận trăng sao
Ai chẳng bao lần xúc động
Dáng người thầy học năm nào.

Thầy vẫn bên đường thầm lặng
Một tâm hồn mãi xanh trong
Ánh lửa tim người khai sáng
Bao nhiêu bài học vỡ lòng?

                                         (TNH - TP, tr. 5-6)

Ngoài việc đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức, ngày ngày phải hít thở bao nhiêu bụi phấn vào buồng phổi... mà thầy vẫn bình thản, yêu nghề, biểu hiện đức tính cao đẹp khác: đó là tình yêu và trách nhiệm. Ta có thể thấy những đức tính nầy qua các bài TỪNG BƯỚC TRỞ TRĂN, GỬI EM, MÙA THỰC TẬP, ƯỚC ĐƯỢC LÀ SEN, XIN LỖI CÁC EM..., mỗi bài thơ là một tâm sự, một lời trần tình đầy tâm huyết, một bộc bạch tình cảm của người thầy đối với thiên chức của mình. Chẳng hạn anh viết:

XIN LỖI CÁC EM

Tôi đâu phải người làm nông
Cày xong đánh giấc say nồng một hơi
Chuông reo tan buổi dạy rồi
Còn nghe day dứt nỗi-đời-chưa-yên.

Trách mình đứng trước các em
Dửng dưng cả tiếng hồn nhiên gọi: "Thầy"!
Rụng dần theo bụi phấn bay
Ước mơ một thuở căng đầy tuổi xanh.

Dẫu là lời giảng của mình
Cơn ho chợt đến vô tình cắt ngang
Dẫu là tiết học vừa tan
Bước qua cửa lớp đôi lần hụt hơi.

Hiểu giùm tôi các em ơi
Giấu bao ám ảnh khôn nguôi từng giờ
Cảnh đời chộn rộn bánmua
Áo cơm nào dễ chi đùa với ai!

Vờ quên cuộc sống bên ngoài
Nhiều điều xa lạ nói hoài riết quen
Dở–hay, yêu–ghét, trắng–đen...
Còn bao sự thật đã nhìn thẳng đâu!

Ai còn dằn vặt đêm sâu
Trong từng sợi tóc bạc màu truân chuyên
Thật lòng tạ lỗi các em
Hiểu ra khi đã lớn lên mai ngày...

                                               1988
                                              (TNH TP, tr.23-24)

         Lời tạ lỗi của TRẦN NGỌC HƯỞNG chính là tấm lòng rất thật của mỗi người thầy. Nhà thơ ĐOÀN VỊ THƯỢNG, khi cho điểm hoặc đánh giá phê bình mỗi học sinh mình, anh cũng từng tâm sự rằng: "Đánh giá em tôi cho điểm chính mình". Phải chăng đó là thiên chức chung của mỗi thầy cô giáo khi quyết định chọn cho mình chỗ đứng trong cuộc đời? Ngay như trong nghề nghiệp và đối với đồng nghiệp, qua cách diễn đạt khéo léo, gợi cảm, ngôn ngữ thật mượt mà, trong sáng và rất hồn nhiên, ta dễ cảm thông với tâm tư, tình cảm của nhà giáo TRẦN NGỌC HƯỞNG:
(...)
Mẹ chòng chành nhịp nôi nghiêng 
Cô đong đưa tiếng phấn quen thầm thì
Hạt cơm hạt chữ mỗi ngày
Mở đường dẫn bước em đi miệt mài.

Một đời đâu dễ tàn phai
Lời cô tiếng mẹ dặm dài theo em
Dẫu chân qua hết mọi miền
Đâu quên được bước đầu tiên đến trường...

                                    (TNH TP, tr.9-10)
         Hoặc:
(...)
Học trò bao lứa vô tư
Từng đôi mắt ánh lời ru lửa nồng
Ngôi trường mãi mãi bao dung
Vẹo xiêu mấy cũng vô cùng thiết tha.

Đây rồi em sẽ vượt qua
Bao gian khó dễ hiểu ra chính mình
Mùi hương giấy mới trắng tinh
Áo cơm chi dễ hoá thành ố lem!

Bồi hồi tôi sóng đôi em
Sóng đôi kỷ niệm hồn nhiên đến trường
Đóa hoa cúc vẫn dễ thương
Mở ra đây cả con đường xưa sau.

                                    (TNH TP, tr. 15-16)

         Cũng có thể bắt gặp thái độ lạc quan, yêu đời của thầy giáo TRẦN NGỌC HƯỞNG:
(...)
Cây sẽ xanh ngời khi rễ bén
Tháp Mười đồng nước trải lòng ra
Bề dầy của đất như lời hẹn
Gian khó buổi đầu sẽ vượt qua.

Em chắc không ngờ anh nghĩ đến
Lòng cô giáo trẻ dưới đèn chong
Đêm đêm day trở bao trìu mến
Miền đất thơm hương gạo Huyết Rồng...

                                    (TNH TP, tr.21-22)

Qua cụm thơ chọn in trong TAY PHẤN, khiến cho người trong nghề dạy học càng yêu quí nghề hơn, và người học trò thắm thía nhiều hơn đạo lý làm người so với câu tôn sư trọng đạo. Ý tưởng nầy ít nhất cũng dành cho riêng TRẦN NGỌC HƯỞNG và đồng nghiệp yêu nghề, hoặc những ai tự thấy mình đồng điệu với anh, khi nghĩ về bóng dáng một thầy cô đang lặng lẽ làm kiếp con tằm nhả tơ dưới ánh nắng trời hanh khô, ấm áp.

         Kế đến, tôi muốn nói, TRẦN NGỌC HƯỞNG là một người làm thơ bình thường như nhiều người làm thơ trong cuộc sống nầy, nhưng thơ anh rất đậm đà màu sắc quê hương Miền Nam. 35 bài thơ chọn in trong tập BẺ LÁ CHE HƯỜNG dầy 80 trang sách, hầu như chỉ rải rác vài bài viết cho kỷ niệm tình yêu, đa số viết về quê hương đất nước cái nôi đã dung chứa con người TRẦN NGỌC HƯỞNG gần suốt cả cuộc đời mình. Các bài thơ TRÊN SÔNG, RIÊNG VỚI SÔNG TIỀN, VỀ LẠI TUỔI THƠ, TÌNH KHÚC CÙ LAO, ĐÊM THÁP MƯỜI, TRƯỚC ĐÈN, THƠM BẾN LỨC, NÀNG THƠM CHỢ ĐÀO, HƯƠNG MỸ THO, NGỌN SÓNG HÀM LUÔNG, GỬI LẠI GÒ CÔNG, HUYẾT MẠCH MIỀN NAM, BẾN TRE, NÓI NHỎ VỚI TẦM VU, LẠI VỀ MẢNH ĐẤT SINH TÔI... là tiêu biểu cho màu sắc quê hương và đậm đà tình yêu đất nước trong thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG. Ta thử đọc:
(...)
Giữa phố hương vườn xanh lối phố
Nhìn đâu cũng nhớ khói sông Tiền
Nổi chìm tà áo em hư thực
Ký ức dặt dìu ngọn sóng quen.

Mỹ Tho buổi ấy về thăm lại
Cây bưởi nhà xưa nở trắng vườn
Dẫu chẳng trèo lên anh cũng thấy
Lòng mình bùng dậy mấy mùa hương (...)

                                  (TNH BLCH, tr. 40-41)
         Hay :
(...)
Khói bếp bay hoài trên mái lá
Cổ Chiên sóng bạc vỗ hồn ta
Tung cao diều sáo đùa trong gió
Cô gái Cung Hầu cất giọng ca.

Bùn đen điểm trắng bông bần rụng
Mây cuốn buồm xuôi cửa Định An
Trời rộng Trần Đề in đáy nước
Bến nào tách nhẹ mái chèo sang.

Mây cao cuồn cuộn bông gòn trắng
Ba Thắc luân lưu máu một dòng
Cuống rún khôn lìa lòng đất mẹ
Dạt dào huyết mạch chín dòng sông...

                            (TNH BLCH, tr. 53-55) 

           Ngay khi ngồi xuồng trên dòng Cửa Tiểu, TRẦN NGỌC HƯỞNG đã lắng tâm tư mình với xúc cảm thiết thân về quê hương đất nước, anh viết:
(...)
Cửa Tiểu buồn nghe nhịp sóng nhồi
Xuồng ba lá thả một dòng trôi
Mờ giăng khói nước lòng ta nhớ
Tiếng độc huyền xưa vọng ngậm ngùi.

Ngắm lục bình trên mặt nước đầy
Điệu thơ Đồ Chiểu vẳng đâu đây
Quê hương ta đẹp từ muôn thuở
Xương máu dâng hoa trên luống cày.

Bến nước Vàm Rồng ghe thả câu
Chim chiều mỏi cánh bay về đâu!
Ta thoáng ngùi trông đầu xóm nhỏ
Trổ buồng quá lứa mấy hàng cau.

Chan chứa thâm tình... Ai biết không
Quê hương mỏi mắt mỏi lòng trông!
Trôi tan thù hận ngày ngưng chiến
Trỗi khúc hoan ca giữa nắng hồng.

                                              Cửa Tiểu 1969
                                                  (TNH BLCH, tr.5-6)

         Tình yêu trong thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG cũng chân tình mộc mạc nhưng đậm đà thủy chung, như chính con người dung dị của HƯỞNG ngoài đời đối với mọi người chung quanh. Bài thơ BẺ LÁ CHE HƯỜNG phần nào trả lời cái thủy chung của anh:

BẺ LÁ CHE HƯỜNG

Năm nào nhớ đẩy nhớ đưa
Nhớ hoa hường nở giữa mùa mưa bay
Nhớ em da diết tóc dài
Mà mơ ngày cưới mà say hương tình
Lòng còn mơ suốt năm canh
Mơ chim về tổ mơ mình có nhau
Đò sang bến hẹn cắm sào
Âm vang câu hát năm nào vấn vương:
"Trồng hường bẻ lá che hường
Nắng che mưa dỡ cho hường vẫn tươi..."
Cho em anh chỉ mấy lời
Yêu em anh cả một đời yêu em
Năm xưa mưa bay bên thềm
Gió lòn qua cửa làm mềm lòng anh.

Rồi em ăn cưới một mình
Một hoa hường một mối tình khôn phai
Rồi em da trắng tóc dài
Nửa cười, nửa khóc nhớ ngày còn thương
"Trồng hường bẻ lá che hường
Nắng che mưa dỡ cho hường vẫn tươi..."
Có còn chi nữa, anh ơi!
Yêu anh em chỉ mấy lời cho anh
Hãy quên đi chuyện chúng mình
Mây trôi nước chảy thôi đành xa nhau
Đò tình sào ngắn sông sâu
Mưa bay tới lúc bạc đầu còn vương
Lời em nhắn gửi người thương
Bõ công bẻ lá che hường bấy lâu
Rồi anh về với ngày sau
Lòng vương vấn mãi thời nào yêu em.

                            Ao Trường Đua GÒ CÔNG 1965
                                 (TNH BLCH, tr. 29-30)

         Lẫn vào lời thơ tình yêu đậm nét thủy chung đó, TRẦN NGỌC HƯỞNG cũng bộc lộ cái rạt rào thoáng hiện trong tim mình về tình yêu trước người con gái bất chợt đến bên nguồn thơ anh. Anh đã viết:

 THƠ TẶNG

 I
 Bài thơ tôi hái trao riêng
 Dễ chi là trái thơm trên tay người
 Cả câu buồn lẫn câu vui
 Chỉ là chiếc lá vụt rơi lặng thầm
 Em vô tình lại vô tâm
 Dễ chi mình xích lại gần nhau thêm.

 II
 Bài thơ tôi thả bờ đêm
 Biển ngờm ngợp sóng bóng thuyền gầy teo
 Vần nào khao khát tìm gieo
 Buồm nâu đâu thể buông neo bến người
 Em không cầm nhận thơ tôi
 Bao câu chữ cứ nổi trôi bến bờ.

 III
 Lòng tôi khoảng vắng ngu ngơ
 Rượu suông khuyết chén ơ hờ tình suông
 Ngón đàn chìm vỡ nốt sương
 Trăng phù phiếm nhỏ giọt buồn xa sâu
 Bài thơ từ trái im đau
 Run run như thể lần đầu tặng em.

                                           (TNH BLCH, tr. 45-46)

         Đọc thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG, tôi lại phát hiện nét riêng trong kỹ thuật làm thơ của anh đúng hơn là bắt gặp thói quen trở thành cá biệt ở HƯỞNG. Anh làm thơ đủ thể loại, từ thơ 5 chữ, 6 chữ, lục bát, 7 chữ, 8 chữ,... và cả thơ tự do. Tuy nhiên, lục bát và 7 chữ được anh sử dụng nhiều nhất. Cái cá biệt mà tôi phát hiện ở HƯỞNG là phần nhiều anh gieo vần cách vần, câu 7 chữ hoặc câu 6 chữ hay câu 5 chữ, chữ cuối câu đầu tiên đều rơi vào vần trắc, nó cứ lặp đi lặp lại phương thức đó, song người đọc không bị nhàm chán bởi cách sử dụng ngôn ngữ và lối diễn đạt khéo léo của anh. Đọc thơ anh gần giống như chúng ta ngồi nghe anh nói bằng hơi thở và nhịp đập đều đặn, thiết tha của con tim. Bài thơ 7 chữ chỉ 4 câu sau đây cũng cho ta có được cái cảm giác lạ lùng đó:

XA XỨ

Thuở nhỏ ta ghiền nghe tiếng nghé
Nghe hoài từ lúc mới nằm nôi  
Lớn lên cắt ruột lìa quê mẹ
Đã chẳng còn trâu để cỡi rồi !

                                           Bà Chiểu 1969
                                               (TNH - BLCH, tr. 60)
Hoặc :
(...) Ai xây vườn rộng nhà cao ấy
Có trĩu lòng thương tuổi má già
Mái lá một vuông xiêu vẹo mãi
Áo còn lấm đất giữa vườn xa.

                                      (TNH - BLCH, tr. 77-78)

Trong thơ 5 chữ, anh thường gieo vần:

(...) Đằm mình trong yên ả
Hoa cau nắng trổ vàng
Rập rờn sau bóng lá
Tiếng côn trùng ríu ran (...)

                                        (TNH - BLCH, tr. 61-62)
 Trong thơ 6 chữ:

 (...) Còng nào trốn vào câu hát
 Ru con lời mẹ mặn mà
 Mắm còng món ăn đạm bạc
 Thơm vào cả khúc dân ca.

 Đâu thể nào quên dáng mẹ
 Bắt còng đồng cạn lom khom
 Tuổi thơ qua rồi lặng lẽ
 Lòng người lời hát còn thơm (...)

                                          (TNH - BLCH, tr. 75-76)

 Hay :
 (...) Một buổi bập bềnh trên sóng
 Xuồng câu thả dọc sông dài
 Dẫu chỉ một lần nhắp giọng
 Nước dừa ngọt suốt đời ai!

                                   (TNH - BLCH, tr. 48-49)

Cả trong thơ 4 chữ, TRẦN NGỌC HƯỞNG cũng có lối gieo vần cách vần như vậy, chẳng hạn trong bài TRỐN TÌM, anh viết:

(...) Chịu thua cây đó
Giấu em đâu rồi!
Sao còn lấp ló
Đỏ một làn môi.

Nụ hôn tươi thắm
Giăng mắc đầu cành
Cho anh ngơ ngẩn
Giữa vòm lá xanh.

                  (TNH - BLCH, tr. 7-8)

Và, theo tôi thì TRẦN NGỌC HƯỞNG có kỹ thuật làm thơ rất vững vàng, tự tin lúc gieo vần và cũng rất nghiêm khắc với chính mình khi phải đối đầu với luật bằng trắc trong tiết tấu thơ. Bằng chứng là suốt chặng đường thơ của anh, chưa thấy vấp váp chỗ nào để cho ta bắt gặp cái gượng gạo, gò ép... khiến người đọc có cảm tưởng là đọc những câu vè chớ không phải là thơ. Bên cạnh đó, TRẦN NGỌC HƯỞNG rất giàu ngôn ngữ, biết chắt lọc từng chữ, từng lời để cho ngôn ngữ thơ không bị trùng lắp, sáo mòn. Dòng thơ của HƯỞNG như tôi đã nói, thật bình dị, chân thành đậm đà màu sắc quê hương miền Nam, vừa thực vừa lãng mạn trữ tình, sâu lắng với nhiều cảm xúc, nên dễ gần gũi với người đọc, nhất là người yêu thơ khi đọc được thơ anh. Có lẽ nhờ vậy mà từ năm 1964 xuất hiện bài thơ đầu tay trên báo TIA SÁNG tại Sài Gòn do thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà tuyển chọn và giới thiệu, đến sau nầy, TRẦN NGỌC HƯỞNG đã lần lượt đạt các giải thưởng về THƠ: Báo TIN SỚM Sài Gòn 1968, BÔNG HỒNG CHO QUÊ HƯƠNG (Phong trào sinh viên Sài Gòn 1971), Hội Văn Nghệ Tiền Giang 1987, Liên Hiệp Công Đoàn Long An 1987, Hội Văn Nghệ Hậu Giang 1989.

TRẦN NGỌC HƯỞNG tên thật TRẦN VĂN SÁU, sinh năm 1950 tại Tân Thới, Tiền Giang, bắt đầu làm thơ đăng báo từ năm 14 tuổi. Hiện anh vẫn ở trong ngành giáo dục và dạy tại trường Cao Đẳng Sư Phạm tỉnh Long An. Mong rằng tiếng thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG sẽ mãi mãi là tiếng thơ của quê hương đất nước và tự tình dân tộc, không để nhuốm màu thời cuộc vốn chẳng có lợi lộc gì cho người làm thơ.

Để kết thúc bài viết nầy, tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc 4 câu lục bát mà TRẦN NGỌC HƯỞNG đã trích trong bài thơ RIÊNG VỚI SÔNG TIỀN (BLCH, tr.9-10) để chọn in vào bìa của tập BẺ LÁ CHE HƯỞNG, phải chăng quê hương, tình yêu và cuộc sống đã hun đúc và là động cơ để thầy giáo như anh phải mang nghiệp dĩ làm thơ? và đó cũng là điều lý giải vì sao lãnh vực thi ca luôn luôn có sự góp mặt của TRẦN NGỌC HƯỞNG đều đặn và gắn bó thân tình:
                
 Tôi còn quấn quít bóng hình
 Xanh màu tóc cũ rung rinh đôi bờ
 Sông Tiền chảy mãi vào thơ
 Em sang đò lạ tôi chờ bến xưa...

                                                                                           HOUSTON, 30 tháng 7 năm 1995


Trích thơ
TRẦN NGỌC HƯỞNG


CÙ LAO... TÔI YÊU

Một dòng cuộn chảy... sông ơi !
Dưng không sao rẽ làm đôi bất ngờ
Chia phôi tái hợp bao giờ
Mà nên mảnh đất sởn sơ... sóng trào.

Từng con sóng nối chân nhau
Xoãi dài một dải Cù Lao đất bồi
"Nước còn quyến cát làm doi..."
Mà nên mặt đất mặt người hồng lên.

Cùng em bước mãi lối quen
Dỗi hờn chi để chia duyên rẽ đường
Xa rồi khôn dứt tơ vương
Đời thường lắng tụ nhớ thương chung dòng.

Là Cù Lao đấy phải không?
Mà đong đưa mãi giữa dòng thời gian
Phù sa kỷ niệm mỡ màng
Dạt dào sóng gió mênh mang bãi bờ.

Một vùng cây trái non tơ
Bước chân nào giữa bất ngờ trưa nay
Cù Lao bóng cả cây dài
Biết chăng ai... dải đất này tôi yêu.

RIÊNG VỚI SÔNG TIỀN

Chảy miên man phía cuối trời
Hay âm ỉ giữa lòng tôi lớn đầy
Biết con nước vẫn đâu đây
Dù em vụt khỏi tầm tay tôi rồi!

Bồng bềnh mấy dải sông trôi
Một thời xõa xuống vai người chiều hôm
Cho ai thấp thoáng trong hồn
Từng con sóng réo, từng cơn khát thầm.

Xa quê ngót hai mươi năm
Tiếng sông nước cũ rì rầm bên tai
Sông dài hay suối tóc ai
Mượt mà hơi ấm phả đầy lòng tôi.

Dầu đi cuối đất cùng trời
Trọn đời gắn bó khó rời được ra
Vùng trời nước ấy bao la
Hóa dòng máu đỏ thấm qua lòng mình.

Tôi còn quấn quít bóng hình
Xanh màu tóc cũ rung rinh đôi bờ
Sông Tiền chảy mãi vào thơ
Em sang thuyền lạ, tôi chờ bến xưa!

                                          Mỹ Tho 1985

 ĐÂU THỂ LÃNG QUÊN

 Cho dầu đồng lương đạm bạc
 Hoa tươi vắng cắm bình nhà
 Lòng chẳng mảy may tẻ nhạt
 Vẫn tươi nhuần các màu hoa.
                            
 Nước, điện tuần bao lần cúp
 Bó rau lon gạo mệt nhoài
 Anh vẫn xao lòng giữa lúc
 Bất ngờ một thoáng hương bay.

 Cơm áo đè lên lắm kẻ
 Tim hồng ngỡ đã xanh rêu
 Lạnh nhạt nhìn nhau ra vẻ
 Khó khăn lòng hẹp lại nhiều.

 Mơ mộng rất cần đấy chứ!
 Đâu quên tất tả đời thường
 Chớ trách lòng riêng riêng giữ
 Bao màu hoa thoảng làn hương...

 Chớ trách anh sao lãng mạn
 Chân đi xuống chợ mỗi ngày
 Chộn rộn tiền mua giá bán
 Vẫn như người bước trên mây.

 Em ạ lòng anh rất sợ
 Phút nào ta sống dửng dưng
 Nét đẹp trăng lên hoa nở
 Vòm xanh bóng mát xưa từng...

                                           Thị Xã Tân An 1986

GỬI LẠI GÒ CÔNG

Hẹn đón nhau về thăm phố cổ
Con đường bụi lấp dấu chân quen
Kinh Hàn mặt nước chao tôi nhớ
Xa cách bao năm bến đợi thuyền.

Rợp bóng sơ ri trong nắng ửng
Giấu sau vòm lá nét môi hồng
Vin cành đang lúc tôi vừa đứng
Em hát câu gì níu bước chân.

Gặp lại mặn mòi làn gió biển
Ngỡ từng vảy cá dính trên vai
Nhớ ơi! Vàm Láng lòng xao xuyến
Phố nổi rung bao đốm lửa chài.

Ghe rỗi vươn mình bung sức máy
Theo người câu hát vụt ra khơi
Trong từng mắt lưới phơi trên bãi
Vướng lại bao nhiêu tiếng nói cười.

Vườn em Giồng Tháp hương ngan ngát
Sau buổi xa nhà nhãn vẫn xanh
Thăm thẳm trời trưa xòa bóng mát
Cho tôi khi ấy hiểu thêm mình...

Quê biển một xa nghìn bịn rịn
Dễ chi không gửi trái tim nồng
Bao lần thầm gọi bao trìu mến
Hai tiếng Gò Công... Em biết không!
                                        
                                   Gò Công 1984

 VỀ LẠI TUỔI THƠ

Cả một vòm trời xanh bỡ ngỡ
Cùng tôi giây phút đứng trên cầu
Ao sen tỏa ngập hương ngày ấy
Bạn lứa bao lần đến thả câu.

Bất chợt mở ra miền kỷ niệm
Cuối đường giấy kẹo thả hương bay
Vĩnh Bình một thoáng tôi lần bước
Tìm tuổi thơ xưa ngõ nhỏ này.

Cỏ mật giấu hương trong tiếng dế
Ngỡ từ lâu lắm đã quên đi
Vút cao lưng gió diều ai lượn
Chắp cánh cho bao ký ức về.

Bày biện trò chơi vòm nhãn biếc
Ngổn ngang thương mến tiếng cười vui
Tay mình tay bạn đan nhau mãi
Ngỡ chẳng bao giờ đứa mỗi nơi!

Thoáng chốc mười năm lìa cuống rún
Trưa nay sóng gợn mặt ao nhà
Búp xanh buổi ấy tình e ấp
Đang nở tươi hồng bao cánh hoa.

Xin được trèo lên cành phượng đỏ
Một lần đánh thức lũ ve xanh
Hát lên! Bạn lứa còn đâu đó
Hẹn phút về đây gặp lại mình.

                                     Hòa Đồng, mùa hè 1987

GỬI LÃO HẠC  (*)

Hiu hắt ao đầm
Con cò nhỏ
Trọn đời riêng
Bì bõm
Đậu cành mềm
Rơi thỏm
Đau đáu chỉ mỗi điều
- "Có xáo thì xáo nước trong".

Có phải không?
Lão đó
Lão Hạc
Ngoi chưa khỏi
Vòng đói nghèo
Khúc hát
Lại nổi chìm
Tủi cực
Giữa trang văn.

Vẫn là vầng-sáng-lương-tâm
Giấu giữa thân xác tàn khô
Trái tim tươi đỏ
Chẳng thể sống dối lừa
(Cho dẫu là với chó)
Lời vinh danh con người.

Lão Hạc ơi!
Phải chi tôi được là "ông giáo"
Được trao tận tay đứa con trai của lão
Đâu chỉ mảnh văn tự miếng vườn
Mà luôn cả trái tim nồng ký thác lại
                                             của người cha
Trái tim
Qua bao trận đói mèm
Qua bao cơn bệnh dữ
Chẳng chút phôi pha
Trái tim!
Đánh thức trong ta
Từng mảnh lòng thơm sạch...

Chúc lão được ngủ yên
Trong lòng trang sách
Sau khi trao nguồn máu ấy cho đời.

                                                1985

                            TRẦN NGỌC HƯỞNG
___________
(*) Nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn NAM CAO
Lê Cần Thơ
Những bạn văn nghệ ngang qua đời tôi










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét