Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011



 
Tranh Vũ Thái Hoà
    
"Mắt xanh" và cái duyên văn học

Trên tay tôi là tập chân dung văn học thể hiện bằng thơ của nhà thơ - nhà giáo Trần Ngọc Hưởng: Tác phẩm "Mắt xanh", NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2010. Sách dày 144 trang, viết về 26 gương mặt thơ, văn của dòng văn học đương đại Việt Nam.
Có thể là do ngẫu hứng, cũng có thể là do cái duyên tri ngộ hết sức tình cờ hoặc đặc biệt mà nhà thơ chỉ chọn 26 ra chân dung, trong đó có mình, với đôi dòng phác thảo về thân thế sự nghiệp cùng với một, hai bài thơ khắc họa; trong đó liệt kê tên các tác phẩm của chân dung đã đề cập - một việc làm không cũ, cũng không mới như đặc biệt. Bởi lẽ, qua cách viết này, tác giả phải có một năng lực cảm thụ và khái quát cao cùng tài thơ uyển chuyển, thấu lý đạt tình của mình - một công việc không phải cây bút nào cũng có thể thể hiện được.
Chỉ với "Vài dòng..." ở trang 5, 6, 7 và 8, bạn đọc đã nắm bắt được Trần Ngọc Hưởng là ai? Cuộc sống và duyên nợ văn chương thế nào? Một sự PR rất khéo của chàng trai quê cù lao Lợi Quan thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, xuất thân từ gia đình bán tạp hóa nhỏ ở chợ huyện Gò Công Tây. Nhờ cái gian "hàng xén" nhỏ ấy mà Trần Ngọc Hưởng làm quen với các sách báo của Do Quang, Tân Việt, Bút Nghiên (Mỹ Tho). Lên thị xã Gò Công rồi Sài Gòn trọ học, chàng thư sinh quê sông Tiền ấy may mắn gặp gỡ các nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang... càng nuôi cái mộng văn chương, mang nó suốt hành trình về Long An dạy học từ năm 1972 và bây giờ là giảng viên Khoa Ngữ văn của trường CĐSP Long An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Bạn đọc còn được biết "Mắt xanh" là tác phẩm thứ 9 của Trần Ngọc Hưởng (không kể 8 luận đề và 3 tập thợ dịch được in, dùng cho công tác giảng dạy), đủ biết anh miệt mài và mê đắm với văn chương chừng nào. Tập "Mắt xanh" trọng tâm là chân dung văn học và cái cách anh lựa chọn cũng không theo một quy luật nào: Người lâu nhất và xưa nhất là Hồ Biểu Chánh; rồi Bình Nguyên Lộc, Hữu Loan, Phi Vân, Võ Hồng, Lý Văn Sâm...; đến người mới như Phạm Công Trứ, Ánh Tuyết. Có người đã mất, có người còn sống (Việt Chung Tử, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Trần Anh Tài, Phạm Công Trứ, Ánh Tuyết...). Có người miền Tây (Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Truy Phong); có người miền Đông (Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà...); có người miền Trung, miền Bắc; có người tầm văn chương lan tỏa cả nước; có người chỉ ở khu vực. Song với tấm lòng tri ngộ, trân trọng..., Trần Ngọc Hưởng đều kỳ công có thơ cho chân dung ấy.
Ngoài những hình ảnh và bút tích của những chân dung mà Trần Ngọc Hưởng đã "vẽ" bằng thơ, tạp sách còn có thêm những phụ lục khi nhà thơ đến viếng mộ cụ Tú Xương hay bất chợt nhớ về Bích Khê, Thạch Lam, Nam Cao... cũng bằng sự cảm nhận thâm trầm, hồn hậu của một tâm hồn nhà giáo, không khoa trương, cường điệu, đi từ những tiếp xúc ban đầu với tác phẩm, chiêm nghiệm và đồng điệu bằng trái tim đam mê văn học, để rồi truyền dần sự đồng cảm ấy bằng những vần thơ ăm ắp nhân tình.
Trần Ngọc Hưởng vốn là nhà giáo, anh có thuận lợi trong việc nằm vững phương pháp tiếp cận tác giả, tác phẩm. Tập "Mắt xanh" cũng có thể là một tập "tư liệu" ch những người muốn "truy cập" nhanh các tác giả mà nhà thơ yêu mến và yêu thích. Không thể đói hỏi hơn ở Trần Ngọc Hưởng là phải có tác giả này, tác giả kia, bởi vì một chữ "tình" và chữ "duyên" trong tập sách mà Trần Ngọc Hưởng muốn gụi tặng.
Trần Hoàng Vy (Nguồn: Báo Ấp bắc)

1 nhận xét: