Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011



 
Tranh Vũ Thái Hoà
    
"Mắt xanh" và cái duyên văn học

Trên tay tôi là tập chân dung văn học thể hiện bằng thơ của nhà thơ - nhà giáo Trần Ngọc Hưởng: Tác phẩm "Mắt xanh", NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2010. Sách dày 144 trang, viết về 26 gương mặt thơ, văn của dòng văn học đương đại Việt Nam.
Có thể là do ngẫu hứng, cũng có thể là do cái duyên tri ngộ hết sức tình cờ hoặc đặc biệt mà nhà thơ chỉ chọn 26 ra chân dung, trong đó có mình, với đôi dòng phác thảo về thân thế sự nghiệp cùng với một, hai bài thơ khắc họa; trong đó liệt kê tên các tác phẩm của chân dung đã đề cập - một việc làm không cũ, cũng không mới như đặc biệt. Bởi lẽ, qua cách viết này, tác giả phải có một năng lực cảm thụ và khái quát cao cùng tài thơ uyển chuyển, thấu lý đạt tình của mình - một công việc không phải cây bút nào cũng có thể thể hiện được.
Chỉ với "Vài dòng..." ở trang 5, 6, 7 và 8, bạn đọc đã nắm bắt được Trần Ngọc Hưởng là ai? Cuộc sống và duyên nợ văn chương thế nào? Một sự PR rất khéo của chàng trai quê cù lao Lợi Quan thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, xuất thân từ gia đình bán tạp hóa nhỏ ở chợ huyện Gò Công Tây. Nhờ cái gian "hàng xén" nhỏ ấy mà Trần Ngọc Hưởng làm quen với các sách báo của Do Quang, Tân Việt, Bút Nghiên (Mỹ Tho). Lên thị xã Gò Công rồi Sài Gòn trọ học, chàng thư sinh quê sông Tiền ấy may mắn gặp gỡ các nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang... càng nuôi cái mộng văn chương, mang nó suốt hành trình về Long An dạy học từ năm 1972 và bây giờ là giảng viên Khoa Ngữ văn của trường CĐSP Long An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Bạn đọc còn được biết "Mắt xanh" là tác phẩm thứ 9 của Trần Ngọc Hưởng (không kể 8 luận đề và 3 tập thợ dịch được in, dùng cho công tác giảng dạy), đủ biết anh miệt mài và mê đắm với văn chương chừng nào. Tập "Mắt xanh" trọng tâm là chân dung văn học và cái cách anh lựa chọn cũng không theo một quy luật nào: Người lâu nhất và xưa nhất là Hồ Biểu Chánh; rồi Bình Nguyên Lộc, Hữu Loan, Phi Vân, Võ Hồng, Lý Văn Sâm...; đến người mới như Phạm Công Trứ, Ánh Tuyết. Có người đã mất, có người còn sống (Việt Chung Tử, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Trần Anh Tài, Phạm Công Trứ, Ánh Tuyết...). Có người miền Tây (Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Truy Phong); có người miền Đông (Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà...); có người miền Trung, miền Bắc; có người tầm văn chương lan tỏa cả nước; có người chỉ ở khu vực. Song với tấm lòng tri ngộ, trân trọng..., Trần Ngọc Hưởng đều kỳ công có thơ cho chân dung ấy.
Ngoài những hình ảnh và bút tích của những chân dung mà Trần Ngọc Hưởng đã "vẽ" bằng thơ, tạp sách còn có thêm những phụ lục khi nhà thơ đến viếng mộ cụ Tú Xương hay bất chợt nhớ về Bích Khê, Thạch Lam, Nam Cao... cũng bằng sự cảm nhận thâm trầm, hồn hậu của một tâm hồn nhà giáo, không khoa trương, cường điệu, đi từ những tiếp xúc ban đầu với tác phẩm, chiêm nghiệm và đồng điệu bằng trái tim đam mê văn học, để rồi truyền dần sự đồng cảm ấy bằng những vần thơ ăm ắp nhân tình.
Trần Ngọc Hưởng vốn là nhà giáo, anh có thuận lợi trong việc nằm vững phương pháp tiếp cận tác giả, tác phẩm. Tập "Mắt xanh" cũng có thể là một tập "tư liệu" ch những người muốn "truy cập" nhanh các tác giả mà nhà thơ yêu mến và yêu thích. Không thể đói hỏi hơn ở Trần Ngọc Hưởng là phải có tác giả này, tác giả kia, bởi vì một chữ "tình" và chữ "duyên" trong tập sách mà Trần Ngọc Hưởng muốn gụi tặng.
Trần Hoàng Vy (Nguồn: Báo Ấp bắc)



Thương Nhớ Làng Quê


Trưa nồng qua xóm cũ
Đục nắng dưới vườn dừa
Chợt ầu ơ tiếng mẹ
Nhịp võng trầm… gió đưa

Rưng rưng bông sậy trắng
Khuất dạng khách qua truông
Riêng góc lòng thiếu phụ
Gió Giồng Dứa để buồn

Liu riu hồn lục bát
Hỏi bụi chuối sau hè
Bè con thơ chìm nổi
Đói lạnh có ai che?*

Về trời rồi cây cải
Sao ở lại rau răm
Đời đắng cay lắm nỗi
Một thân chịu âm thầm*

Ai về sông về rẫy
Có còn cá còn cua
Cám cảnh nghèo èo uột
Cỏ xơ trước gió đùa*

Gió đưa rồi gió đẩy
Kí ức bỗng tràn về
Trong từng lời ru mẹ
 Thương nhớ ngập làng quê
Miền Tây 2001
Trần Ngọc Hưởng
………………………………………………
* Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió đưa bông sậy để buồn cho em
           - Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
     - Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
       - Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua
                                      Ca dao miền Nam







Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Có những bài thơ


                                         
                                                                                          Tranh Vũ Thái Hoà

Có bài thơ khẩu hiệu
Nhắm chút nhuận bút còm
Ngòi bút đem uốn dẻo
Cong thành cần câu cơm

Có bài thơ giả hiệu
Hoa cỏ nhựa tái sinh
Tay nghề hàng thợ cả
Lừa phỉnh cả chính mình

Có bài thơ chúa thượng
Khẩu khí át quỉ thần
Đường lên ngôi chín bệ
Lót bằng xương máu dân

Có bài thơ chính khách
Lời lừa mị đầu môi
Giữa tim đen vụ lợi
Chút lương tri đâu rồi

Có bài thơ quốc biến
Thế giặc dữ trăm lần
Gióng lên lời chính khí
Nung chí hùng muôn dân

Có bài thơ nước mất
Vẳng tiếng quốc gọi hồn
Ba cây mau chụm lại
Sức mạnh triệu lần hơn

Bao bài thơ thi sĩ
Khốn khổ cuộc đời này
Luôn trở trăn sáng tạo
Trong đắm đuối mê say

Trần Ngọc Hưởng



Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Lòng dân phương Nam luôn hướng về Đất Tổ

KTĐT - 7 tháng trước 13 lượt xem
Long dan phuong Nam luon huong ve Dat To
KTĐT - 1 .Các Vua Hùng dựng nước. Cũng là lúc những đứa con của mẹ Âu Cơ tỏa đi:
Lên rừng, xuống biển…
Khi những thế hệ đầu tiên, những lớp lớp lưu dân Việt đầu tiên theo Chúa Nguyễn Hoàng Mang gươm đi mở cõi. Họ gạt nước mắt để lại phía sau lưng mình những mái rạ, bờ tre, những nương dâu, bể lúa… đau đáu những giàn trầu… đau đáu những hàng cau… đau đáu nhớ thương nơi chôn nhau cắt rốn mỗi lúc một xa mờ.
Họ ra đi. Nhẹ tênh hồn lãng tử:
Áo vá quàng túi rỗng
Hồn thơm nuôi chí bền
Đánh cược cùng số phận
Tiếng độc huyền chênh vênh.
Họ ra đi. Có xá chi thân phận, quan với quân lên đường, mang trên vai sứ mệnh:
Chẳng "Sắc phong bảo kiếm"
Phu tướng cũng lên đường
Tiếng độc huyền lưu lạc
Một khúc hành phương Nam.
(Trần Ngọc Hưởng)
Hành phương Nam, con đường thiên lý đi mở mang bờ cõi cứ trải dài, dài mãi... Trên những kênh rạch rậm rì lau sậy, trên những dòng sông lặng ngắt như tờ nhưng tiềm ẩn nhũng nguy cơ từ thuồng luồng, cá sấu. Trên những hoang đảo xa tít mù khơi tiềm ẩn bao hiểm nguy rình rập… Máu xương trải dài theo dấu chân những người đi khai phá…
" Tiền hiền khai nghiệp, hậu hiền khai cơ".Bao nhiêu thế hệ lưu dân mới có được vùng Thuận - Quảng? Phải trải qua bao đời mới tới được nơi chót vót Đất Mũi (Cà Mau)? Và bao công sức đã đổ xuống đất này để định hình giang sơn hình chữ S?.
Nơi trời Nam:
Ai ôm đàn cầm phảng
Hiểm nguy sá chi hề
Máu, mồ hôi thánh thót
Đất lạ đã thành quê.
Nơi trời Nam:
Mênh mông thời mở cõi
Ai "Dạ cổ hoài lang"
Tiếng độc huyền da diết
Một khúc tình phương Nam.
(Trần Ngọc Hưởng)
Khúc tự tình phương Nam - tiếng tơ lòng của những người đi khai phá. Lớp lớp Tiền Nhân xưa hỏi đã mấy ai trở lại? Khi công cuộc khẩn hoang và giặc dã liên miên. Song, dòng máu Lạc Hồng lúc nào cũng đong đầy trong huyết quản, nỗi nhớ thương quê cha đất tổ luôn đau đáu trong lòng và được truyền lại cho lớp lớp hậu duệ về sau.
Khúc tự tình phương Nam - tiếng tơ lòng của những người xa xứ, từ đó hun đúc lòng yêu nước thương nòi để làm nên một miền Nam Thành đồng bất khuất, nơi địa đầu của Đại thắng mùa Xuân, quét sạch ngoại xâm, non sông liền một dải.
2. Chúng tôi - lớp đàn em của thế hệ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đến lượt mình cũng tiếp nối lên đường theo dấu chân của người xưa thuở trước. Ông cha ta đã có công mở cõi thì lớp lớp con cháu sau này phải giữ cho được từng tấc đất quê hương.
Năm 1973, quân ta giải phóng một loạt ấp chiến lược vùng biên để mở rộng hành lang khu căn cứ. Chúng tôi tiến vào Trà Võ trong một buổi sáng đầu Xuân. Choáng ngợp! Đó là cảm giác đầu tiên đối với những đứa con miệt châu thổ sông Hồng xa nhà đi chiến đấu.
Có cảm tưởng nguyên mẫu một ngôi làng Bắc Bộ được phục dựng tại đây, dẻo đất hắthiu miền biên viễn, với những ngôi nhà ba gian hai trái dù lợp ngói, láhay tôn, những dãy nhà ngang chứa cối xay, cối giã, thúng mủng dần sàng và nông cụ, chuồng lợn, chuồng trâu, vườn rau, ao cá… và đặc biệt là cau, những vườn cau ngút ngàn vươn cao, tỏa bóng râm xuống những giàn trầu xanh ngắt…
Nghe chuyện của những bậc cao niên: "Tổ tiên chúng tôi đến lập nghiệp tại đất này đã bao đời đến nay không ai nắm rõ. Chỉ biết là, nếp làng đã được các cụ truyền lại từ đời nọ đến đời kia. Xưa, các cụ sống ra sao thì nay chúng tôi vẫn y nguyên như vậy…".
Ối! Nếp làng, nếp làng mà người xưa luôn ghi dấu trong tim, trong thăm thẳm những đêm dài đi mở cõi, vẫn luôn được kế thừa và gìn giữ cho đến tận hôm nay. Nếp làng! Ấy là từ cội nguồn dân Việt.
Sau giải phóng, tôi đã có dịp đi khắp miền châu thổ Cửu Long. Dấu ấn của người xưa vẫn in đậm trên mảnh đất này dù đã trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao khói lửa đao binh...
Tôi đã bàng hoàng đứng giữa Đồng Tháp Mười, một kho báu hoang vu ngút ngàn con mắt, mảnh đất mà người xưa đã mở ra để nối tiếp các đời con cháu sau này ra công khai phá, để mấy chục năm qua ta đã có được một Đồng Tháp Mười vàng ươm màu lúa hôm nay.
Tôi đã có dịp ngồi ghe ngược xuôi kênh Vĩnh Tế nối ra tận biển Tây, bao máu xương, bao giọt mồ hôi của lưu dân đã đổ xuống kênh này để tứ giác Long Xuyên nặng hạt phù sa, một trong những vựa lúa lớn nhất của đồng bằng Nam Bộ.
Tôi đã đến điểm tận cùng Đất Mũi, nghe tiếng ào ạt của ba bề bốn bên là biển, để cảm nhận không gian hùng vĩ và cả độ đường của cuộc thiên di. Người dân Đất Mũi chân chất hiền hòa, cửa ngõ ngày đêm không bao giờ khóa, khách đường xa có thể ghé vô bất cứ lúc nào, những mái lá thật đơn sơ nhưng tình người thơm thảo. Ngang tàng, hào sảng, cái khí phách của Tiền Nhân thời mở cõi vẫn in dấu nơi đây.
Tôi đã đi qua bao làng mạc dọc hai bên bờ Sông Tiền, sông Hậu, những mái lá nép mình trong những vườn cây ngút ngát trải dài, bên cạnh những đình chùa, miếu mạo hương khói ngày đêm thờ Quốc Tổ, các vị anh hùng dân tộc, cùngcác vị Tiền Hiền đã có công thời khẩn hoang, lập ấp... Tôi xúc động đứng trước bàn thiên của mỗi gia đình, dù được đặt ở góc sân nào thì các bàn thiên cũng đều hướng về… phương Bắc…
3. Mấy bữa nay, con gái tôi cứ dóng dả: " Sở con tổ chức làm thứ bảy để dịp giỗ Quốc Tổ này được nghỉ hai ngày, mình sẽ đi picnic nghe cha!". Cái con bé này! Từ ngày tôi nghỉ hưu, nó cứ sợ cha buồn hay sao ấy, nên có dịp là tổ chức đưa cả đại gia đình đi chơi chỗ này chỗ nọ.
Tôi chỉ ậm ừ, nhưng đã định trong lòng: thành phố đã khánh thành ngôi Đền Hùng trong công viên lịch sử - văn hóa ở quận 9, và đã tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ từ mấy năm nay, công việc lu bu nên tôi chưa có dịp...
Nay nhân dịp này tôi sẽ dẫn con cháu đến dâng hương trước vong linh Quốc Tổ, rồi kể lại cho chúng nghe về lịch sử bi hùng của dân tộc ta từ thời các vua Hùng dựng nước, kể lại cho chúng sự tích "Bọc trăm trứng" của mẹ Âu Cơ, kể lại cho chúng chặng đường dài của Tiền Nhân một thời đi mở cõi , kể lại cho chúng về cội nguồn đất Việt…
Và kể lại cho tôi, ôn lại cho tôi những bài học về nhân, nghĩa, trí, tiết của cha ông. Nhũng bài học làm người - những bài học ta phải học suốt cả một đời người ngắn ngủi.
Đ.T.C

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Giáng sinh thương Chúa


Đi dọc chiều dài buổi chớm đông
Ai nghe ngọn bấc trở chiều không
Từ phương xa tới mang hơi lạnh
Tê mái nhà con, buốt mảnh lòng

Ai vẫn chân bon ngàn đá sỏi
Thương giày hi hóp mõm phong sương
Bao phen chìm nổi vì sinh kế
Tâm huyết phôi phai mấy dặm đường

Rũ áo đêm nay ngồi quán trọ
Ai còn chi nhỉ chỉ đôi tay
Bài thơ viết mãi chưa tròn ý
Một chút tình riêng khó tỏ bày

Đêm sâu ta lặng trông trời rộng
Đâu nhỉ ngôi sao Chúa của tôi
Đâu phút nửa đêm Người giáng hạ
Những mong được thấy thế nhân cười

Nhưng đời là thực không là mộng
Chúa khác chi người… cũng bó tay
Đã mấy ngàn năm rồi đó nhỉ?
Má ai nước mắt vẫn lăn dài

Bác ái mọi người nhưng Chúa cũng
Đành thôi cái ác cứ trêu ngươi
Giáng sinh chợt chạnh lòng thương Chúa
Xuống thế mà không cứu được người

Trần Ngọc Hưởng


 Tranh Đinh Quân





Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Khi rời Tân Thạnh
              ( Tặng con gái nhân 20 – 11 )





Sáng mai cô giáo rời Tân Thạnh
Sau sáu năm dài dạy tại đây
Đâu buổi ra trường đầy bỡ ngỡ
Ngại ngùng quyết định mới… cầm tay!

Xa trường đại học, xa Thành phố
Gợn đáy tâm tư chút nỗi niềm
Bất chợt sáng nào lòng hé mở
Trước làn gió lạ, đất tràm chim

Toà ngang dãy dọc trường cô dạy
Bát ngát hương hoa nắng Tháp Mười
Vào lớp học trò chân lấm đất
Gót hồng đọng mãi vết phèn tươi

Hoa tràm hoa súng hoa sen… nở
Hương sắc thật thà tuổi các em
Chắp cánh ước mơ đầy khát vọng
Gieo trồng kiến thức lớn lên thêm

Đâu thể nào quên mùa nước dậy
Mạn xuồng điên điển rực màu trôi
Lục bình lạc quấn chân giường ngủ
Quẫy giữa nhà ai cá đớp mồi…

Gian khó tuy nhiều mà hạnh phúc
Học trò ríu rít cứ vây quanh
Hương người hương đất hương đời sống
Rộn bốn mùa hương bọc lấy mình

Cô giáo sáng mai rời nhiệm sở
Xiết bao lưu luyến giấu trong tim
Sáu năm cùng học trò gieo gặt
Cô thấy chính mình đã lớn thêm
Trần Ngọc Hưởng



Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Về lại Mỹ Tho



                                          Tranh Vũ Thái Hoà


Ai đẩy đưa ta về cố thổ
Chẳng còn tăm tích dọ tìm nhau
Phà xưa bến cũ đâu rồi nhỉ
Đỏ đục màu sông… sóng bạc đầu

Lủi thủi một mình ta lặng ngắm
Dật dờ đôi cụm lục bình trôi
Ngược xuôi một góc trời phiêu dạt
Đếm hết bao nhiêu lượn sóng nhồi

Mưa rớt cuối mùa vàm Rạch Miễu
Thời hò hẹn đó có còn ai
Người xa mấy đỗi ôi là nhớ
Gió tạt ngang lòng tóc chợt phai

Mấy mươi năm nhỉ ran lồng ngực
Còn ngạo với đời chút lửa hương
Ta cố nhìn xa thêm chút nữa
Thuyền đi để lại bến sông buồn

Quê mẹ sao trơ tình khách lạ
Dẫu bao kỷ niệm cũng mơ hồ
Ta như con nước xa nguồn chảy
Một chút tình xưa đã chết khô

Sang sông mấy kẻ quay nhìn lại
Mây của trời cao gió cuốn trôi
Về lại Mỹ Tho ngày giáp tết
Ta như khách lạ… ghé thăm người
Trần Ngọc Hưởng








Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Vọng cổ bên sông

Mấy lượt tôi về chơi Hậu Nghĩa
Theo thằng ban học đến Sò Đo
Dán diều thả dọc bờ kinh cạn
Tìm phút thăng hoa tuổi học trò


Thương lắm bà con mình mộc mạc
Đầu trần chân đất cực quanh năm
Bao đời chất phác như bông súng
Rát mặt nắng mưa kiếp dãi dầm


Mấy đứa cỡi trần bơi lớ ngớ
Chuồn chuồn cắn rún tuổi mười ba
Bẫy chim bắt dế thời thơ dại
Bàng bạc hồn quê kiểng thật thà


Gặp mùa lượm trái cà na* rụng
Bà ngoại về thăm cháu ngoại chưa!
Nhịp võng lời ru từ mấy thuở
Rưng rưng câu hát xứ quê mùa


Đáy giếng trăng soi in đậm bóng
Mái bàng vách đất… thuở nào xa
Đã lâu bạn cũ không còn gặp
Tân Mỹ, Sò Đo chốc bỗng là…


Oằn sâu kỷ niệm tuôn dòng nhớ
Đâu cõi mông lung ký ức hồng
Nước kiệt lui ghe về bến mộng
Cắm sào vọng cổ vẳng bên sông…
...................................................
*... là xứ quê mùa
Bà thăm cháu ngoại cho vùa cà na
Ca dao


Trần Ngọc Hưởng

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

TRẦN NGỌC HƯỞNG "ĐẬM ĐÀ HƯƠNG SẮC MIỀN CHÂU THỔ CỬU LONG GIANG" 
- Lê Ngọc Trác











Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tôi đã đọc được thơ của Trần Ngọc Hưởng trên các báo, tạp chí văn học của miền Nam. Thế rồi, mãi đến 50 năm sau, tôi mới có dịp đọc được nhiều thơ của Trần Ngọc Hưởng. Những bài thơ của một tâm hồn đôn hậu, đầy ắp tình cảm vẫn còn nguyên trinh sự yêu mến trong tôi như thưở ban đầu ngày xưa đã từng đọc thơ anh.






Phần lớn thơ của Trần Ngọc Hưởng viết về vùng trời, sông nước miền châu thổ Cửu Long Giang, tình đất tình người của các tỉnh miền Tây Nam Bộ như chiếc nôi đã tạo nguồn cảm hứng trong thơ cho Trần Ngọc Hưởng. Qua thơ Trần Ngọc Hưởng, chúng ta được sống với sông nước Cửu Long Giang mênh mông, những cánh đồng xanh ngát tận chân trời. Màu xanh mướt tóc dừa nghiêng trong gió, màu khói đốt đồng thơm mùi rơm rạ phù sa châu thổ trong thời điểm giao mùa của đất phương Nam:


"Ôi Cửu Long Giang chín miệng Rồng
Ra khơi táp sóng nhớ nguồn sông
Chảy luồn máu đất trong dòng nước
Sông nhả phù sa lấp Biển Đông


Chia nhánh Tiền Giang, nhánh Hậu Giang
Đôi dòng huyết mạch của miền Nam
Máu tim cuộn chảy ơi trìu mến
Khói sóng hòa hơi thở xóm làng


Mỏi cánh cò bay thẳng cánh đồng
Cột chèo soi bóng thấu lòng sông
Lưới khuya chụp sóng từng con nước
Chở nặng xuồng khua nhịp lớn ròng


Tóc mướt dừa nghiêng dòng Cửa Tiểu
Nhà chòi khách đợi chuyến đò ngang
Bên sông Cửa Đại phà hơi sóng
Tao tác gà trưa gáy muộn màng


Trôi giạt Ba Lai sông nước cũ
Tối rồi về núi cánh chim bay
Lửa chài hiu hắt đêm thao thức
Qua cửa Hàm Luông mặt nước đầy


Khói bếp bay hoài trên mái lá
Cổ Chiên sóng bạc vỗ hồn ta
Tung cao diều giấy đùa trong gió
Cô gái Cung Hầu cất giọng ca


Bùn đen điểm trắng bông bần rụng
Mây cuốn buồm xuôi cửa Định An
Trời rộng Trần Đề in đáy nước
Bến nào tách nhẹ mái chèo sang


Mây cao cuồn cuộn bông gòn trắng
Ba Thắt luân lưu máu một dòng
Cuống rún khôn lìa lòng đất mẹ
Dạt dào huyết mạch chín dòng sông".
(Huyểt mạch miền Nam - thơ Trần Ngọc Hưởng)


Thơ của Trần Ngọc Hưởng còn gợi cho chúng ta nhớ về một thửa "mở cõi" của tiền nhân:


"Áo vá quàng túi rỗng
Hồn thơm nuôi chí bền
Đánh cược với số phận
Tiếng độc huyền chênh vênh


Chẳng "sắc phong bảo kiểm"
Phu tướng cũng lên đàng..."
Tiếng độc huyền lưu lạc
Một khúc hành phương Nam


Lục bình trôi lãng đãng
Sông Hậu hay sông Tiền?
Tân An hay Mộc Hóa?
Mịt mờ chưa tuổi tên


Rưng rưng hồn lau sậy
Men rượu bạc chiều sương
Gõ nhịp xuồng ba lá
Tiếng độc huyền tha phương


Đất mới bao huyền thoại
Nước rong sóng vượt bờ
Đêm mộng nghìn lúa trổ
Hạt no tròn vàng mơ...


Rắn thành tinh khè lửa
Sấu thành tinh đội đèn
Vẹt muỗi mòng đĩa vắt...
Tiếng độc huyền vút lên...


Ai ôm đàn cầm phảng
Hiểm nguy sá chi hề
Máu mồ hôi thánh thót
Đất lạ đã thành quê


Mênh mang thời mở cõi
Ai "dạ cổ hoài lang"?
Tiếng độc huyền da diết
Một khúc tình phương Nam


Đêm nay xuôi Vàm Cỏ
Hồn giạt sóng bên trời
Tiếng độc huyền bứt rứt
Thương người xưa khôn nguôi..."
(Khúc tình phương Nam – Thơ Trần Ngọc Hưởng)


Bài thơ "Qua đò cầu Nổi", Trần Ngọc Hưởng viết cách đây 40 năm vẫn còn "neo đậu" trong lòng những người yêu thơ. Bài thơ đẹp, mượt mà, thơ mộng, tràn đầy tình cảm. Phải chăng "chuyến đò cầu Nổi" là bến bờ hạnh phúc trong đời của nhà thơ chúng ta?:


Ta qua Cầu Nổi năm năm trước
Gặp lại em trong một chuyến phà
Mưa bụi mù giăng tà áo tím
Nhớ thời trẻ dại đẹp như hoa


Nhớ trang vở cũ thương trường tỉnh
Thương tiếng chuông tan nhịp thước buồn
Thương buổi lìa đàn chim vỡ tổ
Một khung trời mộng chỉ còn hương


Thương bóng dù che phà tách bến
Dáng cô bạn nhỏ phút qua sông
Trong màu áo tím làn mưa bụi
Má ướt mà sao cứ ửng hồng


Sánh vai hai đứa cùng qua "bắc"
Gió thổi đôi bờ tóc rối bong
Thương quá mắt em đầy khói sóng
Neo hồn ta mãi giữa dòng trong


Năm xưa ngày đó ta là bạn
Đâu nghĩ ngày nay nên lứa đôi
Hai đứa nắm tay cùng xuống bến
Qua đò Cầu Nổi vợ hiền ơi!


Trần Ngọc Hưởng viết những câu thơ về cha mẹ của anh, đọc xong chúng ta nghe lòng mình se thắt:


"...Ráng đỏ chiều hôm sâu lắng lại
Bảy mươi tuổi lẻ một đời cha
Lo toan nhiều nỗi riêng cơ cực
Từ tuổi thanh xuân đến tuổi già


Bông sậy đưa buồn phơ phất trắng
Cho con côi cút giữa quê mình
Bếp xưa soi mắt người yêu dấu
Cha chợt về trong đốm lửa xanh..."
(Trích bài thơ: Đốm lửa xanh Trần Ngọc Hưởng)


Bên cạnh nhiều bài thơ viết về miền Nam nơi anh đã sinh ra và lớn lên, Trần Ngọc Hưởng còn viết về những vùng đất mà anh đã từng đến, như: Phan Thiết, Huế, Hà Nội, Đà Lạt, Hạ Long... Những bài thơ anh viết về những vùng đất mà anh từng đến đều gợi mở trong chúng ta những giai thoại văn chương, lịch sử. Có lẽ, Huế là nơi cho anh cảm xúc thơ nhiều nhất. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, Trần Ngọc Hưởng đã viết đến 5 bài thơ về Huế. Ngày xưa, Nguyễn Bính viết về mùa mưa xứ Huế. Mưa da diết, mưa dầm dề, đầy cô đơn và nghèo khổ. Ngày nay, Trần Ngọc Hưởng cũng viết về mưa Huế. Có thể nói, mưa Huế trong thơ của Trần Ngọc Hưởng đầy thơ mộng, tạo cho chúng ta một nỗi buồn man mác khi trải qua bể dâu của cuộc đời:


"Mưa đan chéo mặt sân rồng
Mờ mờ dáng chín đỉnh đồng Huế thơ
Gió day dứt tiếng chuông chùa
Em về nón mỏng chiều mưa nghiêng buồn


Nhòa dần mái cổ chon von
Tim trong ngực mệt đập mòn nhịp xưa
Hoàng thành đứng rũ trong mưa
Đằm đằm tóc trắng tượng thưa ôm đầu


Lá vèo trước cổng vào thu
Quanh đây lãng đãng sương mù nghìn năm
Mưa trời tiếng vọng âm âm
Một tôi tâm thức đôi phần quạnh hiu


Chia xa hồn tiếc thương nhiều
Mưa bong bóng vỡ bóng chiều nhặt hơn
Huế xa vời! Huế mù sương!
Huế lay phay hạt mưa vương tóc người..."


Trần Ngọc Hưởng sinh năm 1951 tại Gò Công, quê hương của miền gái đẹp. Và, nơi đây đã ghi đậm những chiến công hào hùng của người anh hùng Trương Công Định, thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp xâm lược trong thế kỷ 19. Hiện nay, anh định cư ở Tân An, Long An và dạy học tại trường Cao đẳng Sư phạm Long An.


Gần 60 tuổi đời,đến nay, Trần Ngọc Hưởng đã có hơn 40 năm gắn bó với thơ ca. Đến năm 2007, Trần Ngọc Hưởng đã xuất bản được 8 tập thơ, gồm: Bẻ lá che hường, Vườn xưa, Tay phấn, Thơ tuổi 40, Cuống rún chia lìa, Suối nguồn xanh, Chân dung thơ, Từ chín dòng sông vọng cổ. Có những thi phẩm tái bản đến lần thứ hai như Bẻ lá che hường, Tay phấn, Chân dung thơ.Điều này chứng tỏ thơ Trần ngọc Hưởng đã khẳng định vị trí trong lòng người yêu thơ.


Thơ của Trần Ngọc Hưởng giản dị, chân thực, tràn đầy tình cảm,đậm đà hương sắc miền châu thổ Cửu long Giang.Ý thơ sâu sắc.Thơ anh có độ rung lớn,làm lay động tâm hồn người đọc. Kế bước những nhà thơ: Kiên Giang - Hà Huy Hà, Trần Tuấn Kiệt... qua thơ, Trần Ngọc Hưởng làm đẹp thêm đất nước, con người miền Nam thân yêu.






Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Thơ tuổi 40 (Trần Ngọc Hưởng)
- Từ chín dòng sông vọng cổ (Trần Ngọc Hưởng)

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Miền gái đẹp


Tranh Lê Đình Quỳ




Nghe nói Gò Công miền gái đẹp
Bao đời nức tiếng đất vương phi
Đồng chua nước mặn lên nhan sắc
Hoài nét duyên xưa tuổi dậy thì

Trong phố có làng, làng có phố
Trăm năm hương khói phả mơ màng
Tường hiên cột gỗ đêm trầm mặc
Mái ngói âm dương bóng nguyệt lan

Bẽn lẽn cành sương thơm sắc lá
Ngập ngừng nắng đọng tiếng chim ca
Lắng tai thoảng tiếng chuông chùa vẳng
Từng giọt châu rơi mắt mẹ già

Nóc đình rêu phủ con rồng đá
Ghếch mõm trông vời chẳng nói năng
Còn có điều gì đang chất chứa
Oan tình chỉ muốn hỏi trời chăng?

Trăng tròn vàng rực treo lơ lửng
Nghiêng mặt thẹn cười nâng rượu lên
Nét đẹp hồn nhiên mà quyến rũ
Một lần hạnh ngộ dễ chi quên


Nhẫn nại  hiền hoà miền cửa biển
Lặng thầm kia dáng mỹ nhân ngư
Đêm nay phố cổ khu nhà cổ
Chén rượu men tình…cứ ngỡ như ;
Trần Ngọc Hưởng