Nhà văn VÕ HỒNG qua thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG
Nhà văn Võ Hồng qua đời vào lúc 14 giờ chiều ngày 31.3 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. Ông sinh ngày 2.12.1922 (khai sinh ghi 5.5.1921) tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1940, ông đậu bằng thành chung, ra Hà Nội học tú tài. Năm 1954, ông đến Nha Trang, dạy học tại các trường trung học Lê Quý Đôn và Bồ Đề và sống ở đây đến khi qua đời. Truyện đầu tay của ông đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn. Một số tác phẩm đã xuất bản của Võ Hồng: Hoài cố nhân (Ban Mai, 1959), Hoa bươm bướm (Lá Bối, 1966), Người về đầu non (Văn, 1968), Gió cuốn (Lá Bối, 1968), Hằn Năm Tháng (Lá Bối, 1965), Khoảng mát (An Tiêm, 1966), Con suối mùa xuân (Lá Bối, 1966), Bên kia đường (Mặt Trời, 1968), Trầm mặc cây rừng (Lá Bối, 1971), Áo em cài hoa trắng (Lá Bối, 1969), Trận đòn Hoà giải (Lá Bối, 1970), Xuất hành năm mới (Lá Bối, 1971) . 15 giờ chiều ngày thứ năm, ngày 4.4) linh cữu nhà văn Võ Hồng sẽ được an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà). Tiễn đưa Nhà văn về cõi vĩnh hằng,lengoctrac.com đăng lại bài : Nhà văn VÕ HỒNG qua thơ TRẦN NGỌC HƯỞNG * Lê Ngọc Trác Có những nhà văn, nhà thơ khi đi vào cuộc chơi chữ nghĩa họ không thuộc một nhóm, một trường phái nào cả. Họ không làm dáng, làm nổi bằng cách viết gai góc, hay tạo những giai thoại giật gân câu khách. Như những người nông dân, cần mẫn trên cánh đồng, họ âm thầm gieo những mùa hoa. Và, hoa đã cho hương, kết trái ngọt cho đời. Tác phẩm của họ, dù ở vào thời đại nào, dù xã hội hay chế độ chính trị nào vẫn được người đời trân trọng và mến yêu. Đó là trường hợp của nhà văn: Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng... (Và còn nhiều nhà thơ, nhà văn khác nữa). Võ Hồng đã lấy tên thật của ông làm bút danh. Ông sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn tỉnh Phú Yên. Năm 1940, sau khi đậu tú tài, Võ Hồng đi làm công chức cho chính phủ Trần Trọng Kim và sau này là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1949, Võ Hồng giã từ công việc của một viên chức nhà nước, ông chuyên tâm vào công việc dạy học và viết văn. Võ Hồng cầm bút khá sớm. Từ năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay "Mùa gặt" đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" với bút hiệu Ngân Sơn. Trong cuộc đời sáng tác, Võ Hồng còn sử dụng các bút danh: Võ An Thạch, Võ Tri Thủy. Năm 1947, người vợ thân yêu của ông mất. Ông vừa nuôi con vừa dạy học và sáng tác. Năm 1959, Võ Hồng xuất bản tập truyện ngắn "Hoài cố nhân". Tác phẩm vừa ra đời đã được người đọc đón nhận nồng hậu. Từ năm 1959 đến năm 1993, Võ Hồng đã sáng tác và xuất bản hơn 20 tác phẩm, gồm: Hoài cố nhân (Ban mai – 1959), Lá vẫn xanh (Thời mới – 1962), Vết hằn năm tháng (Lá bối – 1966), Con suối mùa xuân (Lá bối – 1966), Khoảng mát (An tiêm – 1969), Bên kia đường (Mặt trời – 1968), Những giọt đắng (Lá bối – 1969), Trầm mặc cây rừng (Lá bối – 1971), Trong vùng rêu im lặng (HVN Nha Trang – 1988), Vẫy tay ngậm ngùi (NXB Trẻ – 1992), Hoa bươm bướm (Lá bối – 1966), Người về đầu non (Văn – 1968), Gió cuốn (Lá bối – 1969), Như cánh chim bay (Lá bối – 1971), Nhánh rong phiêu bạt (Lá bối – 1970), Thiên đường ở trên cao (Sở VHTT Nghĩa Bình – 1988), Áo em cài hoa trắng (Lá bối – 1969), Mái chùa xưa (Lá bối – 1971), Chia tay người bạn nhỏ (NXB Trẻ – 1991), Một bông hồng dâng cha (NXB Trẻ – 1991), Thương mái trường xưa (NXB Kim Đồng – 1993), Hồn nhiên tuổi ngọc, Thời gian mây bay... Tác phẩm của Võ Hồng bao gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết, truyện viết cho thiếu nhi... Trong những trang văn của Võ Hồng, chúng ta bắt gặp nét tinh tế trong diễn đạt. Lời văn trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ. Trong toàn bộ tác phẩm của Võ Hồng đều đậm chất nhân văn: "Người yêu người, sống là để yêu nhau". Với một tâm hồn nhân hậu, một cuộc sống đầy trải nghiệm, Võ Hồng gởi đến người đọc một thông điệp: "Dù trong hoàn cảnh mất mát, khổ đau đến đâu, con người chúng ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Miễn là chúng ta cảm thông, tôn trọng, yêu thương nhau và vì nhau trong cuộc đời". Chính vì vậy, qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ độc giả đều yêu mến tác phẩm của Võ Hồng. Thiên tài Phạm Công Thiện – một nhà thơ lớn của đất nước trong thế kỷ 20 – một người cao ngạo đã từng phủ nhận tất cả các triết thuyết và tôn giáo nhưng vẫn thể hiện sự quý mến đối với Võ Hồng và nhà thơ Quách Tấn. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của Phạm Công Thiện về nhân cách, tâm hồn và tài văn thơ của Võ Hồng và Quách Tấn. Nhà văn Nguyễn Khải, một cây bút tầm cỡ về truyện ngắn và tiểu thuyết của miền Bắc xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi bàn luận về nhà văn Võ Hồng, Nguyễn Khải chép miệng nói: "Cái tay ấy lành mà cũng viết hay, nhỉ". "Lành" ở đây có lẽ Nguyễn Khải kín đáo nói đến tâm hồn và cách sống của nhà văn Võ Hồng. Còn "hay", Nguyễn Khải nói về tác phẩm của Võ Hồng. Giáo sư Trần Hữu Tá đã có những nhận định về văn phong của Võ Hồng mà nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng rất hay và chuẩn xác: "...Khi đọc truyện Võ Hồng, cái buồn dịu dàng cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng người đọc không bị chùng xuống, không mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại như bình tĩnh, thanh thản hơn...". Với Trần Ngọc Hưởng, khi anh 11 tuổi, Võ Hồng đã có truyện ngắn sánh vai cùng các nhà văn: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Mạnh Phú Tư, Tô Hoài... xuất hiện trên tuần san "Tiểu thuyết thứ Bảy". Sau này đến năm 19 tuổi, Trần Ngọc Hưởng, người con trai của quê hương Gò Công đã đi vào con đường sáng tác thơ ca, khi được phỏng vấn về văn chương đương thời, đã khẳng định: "Yêu thích các tác phẩm của Võ Hồng, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân...". Thế rồi mãi đến 31 năm sau (2000), Trần Ngọc Hưởng được vinh dự gặp gỡ nhà văn Võ Hồng, một tác giả mà anh từng yêu mến, tại thành phố biển Nha Trang. Dù không theo học Võ Hồng một ngày nào nhưng Trần Ngọc Hưởng kính trọng Võ Hồng như một người thầy của mình (người thầy mẫu mực, đầy kính trọng trong văn chương cũng như trong đời thường). Trần Ngọc Hưởng là nhà giáo, nhà thơ. Chính từ sự quí trọng, đồng cảm với nhà văn Võ Hồng trong tác phẩm cũng như trong cuộc sống, mà Trần Ngọc Hưởng đã có những vần thơ viết về Võ Hồng tràn đầy tình cảm. Chúng tôi nhớ không lầm Trần Ngọc Hưởng đã có hai bài thơ viết về nhà văn Võ Hồng: Năm 2000, Trần Ngọc Hưởng viết bài thơ ngũ ngôn "Dáng thầy". Mười năm sau (2010) viết tiếp bài thơ "Thông điệp yêu thương". Nhiều người rất thích bài thơ "Thông điệp yêu thương", Trần Ngọc Hưởng viết về chân dung nhà văn Võ Hồng: "Tự mình lót ổ sắc không "Kéo dây chuông... gọi Võ Hồng"... đợi ai Quạnh hiu ngày rộng đêm dài Lòng luôn đau đáu nỗi Hoài Cố Nhân! Vết Hằn Năm Tháng chân thân Chảy hoài Con Suối Mùa Xuân trong lành Bên Kia Đường, Lá Vẫn Xanh Đong đưa Khoảng Mát bạc quanh tóc người Vẫy Tay từ đó Ngậm Ngùi Hoa Bươm Bướm nở bên trời rưng rưng! Bao năm Trầm Mặc Cây Rừng Lòng ta thấu hiểu lòng Luân yêu Quỳ! Trái tim xúc động điều chi Nhánh Rong Phiêu Bạt nỗi gì lênh đênh! Năm mươi năm mấy nỗi niềm Lắng nghe tóc bạc bao đêm một mình Tách trà khuy có lên men Trải ngày thu muộn, qua đêm đông tàn... Hồn văn chong ngọn đèn vàng Bao dung trước mọi hợp tan vô thường! Từng thông điệp của yêu thương Truyền đi từ một suối nguồn mênh mông Lắng sâu đời cõi đục trong Dầu hao bấc lụn chân dung không mờ! Cụm từ in đậm: Tên một số tác phẩm của nhà văn Võ Hồng Trần Ngọc Hưởng đã tinh tế chọn lọc những nét đặc trưng trong cuộc đời và tác phẩm của Võ Hồng để đưa vào thơ của mình. Với 24 dòng thơ lục bát của Trần Ngọc Hưởng, chúng ta nhận biết được tâm hồn, nỗi niềm của Võ Hồng trong cuộc sống. Và, nội dung các tác phẩm tiêu biểu của ông. Một chân dung văn học đầy đủ về Võ Hồng mà chúng ta hằng yêu quí. Qua thơ, chúng ta đồng cảm, quí trọng cả hai tâm hồn Võ Hồng và Trần Ngọc Hưởng. Đẹp biết bao những tâm hồn đôn hậu, rộng mở, thấm đẫm yêu thương trên cánh đồng văn chương thời hiện đại. LÊ NGỌC TRÁC hình trên : NHÀ VĂN VÕ HỒNG |
Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét