"CHẤM LÁ ", PHÚT ...DẬY THÌ XUÂN CỦA NGƯỜI KHÔNG NGẠI TUỔI...
"CHẤM LÁ ", PHÚT ...DẬY THÌ XUÂN CỦA NGƯỜI
KHÔNG NGẠI TUỔI...
* TRẦN HOÀNG VY
Mở đầu tập thơ “Chấm Lá”
gồm 58 bài thơ, nhà thơ Trần Ngọc Hưởng đã mượn lời Hoàng Cầm, Vũ Hoàng
Chương và cả Goethe để bày tỏ “Cái sự... làm thơ tình ở tuổi ngấp...
nghé bảy mươi” là “ Bạn ơi khi thấy ông già ấy/ Bơi chải chìm trong
mắt mỹ nhân/ Xin chớ bĩu môi cười chế riễu/ hãy chào cái dáng dậy thì
xuân...”.
Vâng sự bày tỏ chân thật, hồn nhiên, xen chút...bẻn
lẽn... dậy thì của người không ngại tuổi mới thật đáng yêu và gợi bao
trí tò mò thú vị lẫn thi vị!
Tình yêu bao đời vẫn là buổi ban đầu, bắt nguồn từ sự gần gũi thân quen và cũng không tị nề tuổi tác, đấy là “
Cớ gì hẹn đến kiếp sau/ Sao mình chẳng nhận yêu nhau kiếp này/ Hai
người cách một gang tay/ Bắc cầu dải yếm bao ngày hoài mong...” và “
Chuyến xe chỉ một em ngồi/ chỗ bên để trống lâu rồi đó em!” (Cớ
gì?), thực ra chỉ là sự... nín lặng của một trong hai người mà nên “Cớ
gì?”, bởi thật gần mà đến với nhau cũng thật là ... xa và khó! Đó trước
hết phải chăng vì “duyên”? Không duyên thì cũng “ Có người thắp ngọn
đèn chong/ Cõng tình lót ổ hư không đợi người/ Từng đi qua khóc qua
cười/ Sao còn ngơ ngẩn như thời trẻ trai!” (Đi ngược). Đâu phải tuổi già thì không... đơn phương và hụt hẩng?
Đã yêu thì bởi cũng một chữ “Sắc”, làm nên “ Hai đầu võng mắc sắc không/ Tan trong mắt biếc môi hồng ngửa nghiêng”(Hai người), và vì thế: “ Phút giây má tựa môi kề/ Ngầm đầu lưỡi giọt cà phê tình đầy”( Vút qua nghìn trùng), để đầy ham muốn...bí bầu như: “ Phút nào hơi bén tiếng quen/ Má em hồng thắm thơm duyên bí bầu/ Ấp đầu tay gối bên nhau/ Môi hồng anh rõ cạn sâu lúm tiền...”(Nét duyên). Rồi thêm chút... đời: “
Bức khỏa thân xanh ươn ướt mắt/ Cho anh chếnh choáng mãi trưa này/ Vú
ngoan dỗ mộng mời nhau rượu/ Cạn chén ngọt ngào giữa đắm say!”( Đắm say).
Cũng đậm đà lắm những “vô thường”: “Thu
mình em nép vào anh/ Hôn nhau bỗng chốc trở thành của nhau/ Quen hơi
mỗi lưỡi bí bầu/ Cạn sâu lắm khúc dài lâu nỗi niềm...” Để say thành: “
Say men bí tỉ môi xinh/ Tay mảnh tóc ngắn sao tình mênh mông/ Nghiêng ly
cặn rượu vẫn nồng/ Đèn khuya xô lệch bóng không rời hình.” (Tay nâu).
Da diết, mãnh liệt, cả... trần tục: “môi
yêu như sóng cuộn môi/ cuộn đầu lưỡi cuộn nhau trôi bềnh bồng/ Đong đưa
một chiếc cầu vồng/ Cuộn nhau vào giữa cuồng phong đắm chìm...”( Hương). Và : “ Tay ôm đắm đuối làn da/ Ngực bồng nhan sắc em là tình yêu”(Tay thương).
Sài
Gòn đối với nhà thơ Trần Ngọc Hưởng luôn mãi là mối tình khôn khuây từ
thuở là anh sinh viên đôi chín cho đến nay đã gần thất thập. Đó là
“Người tình Sài Gòn” : “ Sài Gòn cho anh người tình/ Ân cần đã đến
bên anh dịu dàng/ Nghĩ đời lạnh gió mùa sang/ Có em một đóa hoàng lan
nguyệt rằm.” Đây nữa: “ Vượt ngót năm mươi cây số lẻ,/ Kẹt xe khói bụi
lấp đường dài/ Ba giờ phấp phổng bao thương nhớ/ Đến được chốn này, gặp
được ai!” (Sài Gòn yêu), cũng hẹn hò, đắm say: “Thở nụ hôn nồng thắm thịt da,/ Đồi non vú nõn nức mùi hoa/ Mở lòng đón phút giây huyền diệu/ Cảm xúc bùng lên...chợt vỡ òa” (Huyền dịu), Rồi cũng bàng bạc sắc màu chiêm bao: “ Tuổi xuân lỡ bước qua cầu/ Quán hiu hắt đợi bao lâu người về?/ Cùng em cạn chén đam mê/ Mung lung cứ ngỡ bốn bề chiêm bao!” (Sài Gòn thơ). Chút lặng bâng khuâng cùng với người thơ một sớm tỉnh mộng?
Trần
Ngọc Hưởng có đời sống và cốt cách của anh... giáo trường quê, cho dù
anh đã từng là giảng viên của trường CĐSP. Long An. Chuẩn mực, chỉn chu
với kiến văn cổ vững chắc, tập hợp 58 bài thơ... yêu, anh chọn hầu hết
lối thơ truyền thống 6/8, một vài bài ngũ ngôn, có bài bảy chữ, có lẽ
rất phù hợp với cái tạng của anh? Ý tình trong thơ cho dù anh muốn và
rất muốn “ Bơi chải chìm trong mắt mỹ nhân” để cháy hết mình song vẫn
quá... nhẹ nhàng, mực thước qua những hình ảnh cũ như “Từ Thức gặp
Tiên”, hoặc gắn với hình ảnh ca dao như “bí bầu, tía tô, lá tầm xuân...”
nên dẫu có tha thiết mượt mà vẫn chưa mảnh liệt, hừng hực của trái tim
vốn dĩ mê đắm trong tình yêu của tuổi trẻ hôm nay.
Một chút hiện đại, chút duyên...khi người thơ làm quen với vi tính, mạng Internet, Facebook, hãy nghe nhà thơ “bật mí”: “Anh ngồi lại góc cô đơn/ màn hình rộng trải nỗi buồn phẳng phiu/ Gõ vào bàn phím lời yêu/ Mở ra một cõi tịch liêu nhạt nhòa” (Trời
chiều đổ bóng), cái nhạt nhòa là ảo ảnh, sương khói: “Mạng internet
trang facebook/Phiêu lãng duyên trời gặp được em” (Huyền diệu), để rồi: “
Màn hình chỉ một chấm xanh/Một khung Chát đủ chúng mình phiêu du/ Lắng
sâu vào cõi sa mù/ Trái tim vứt phá ngục tù thăng hoa...”(Chat yêu).
Chính cái chấm xanh, tín hiệu online đó mà nhà thơ đã liên tưởng đến
“Chấm lá”, nơi gặp gỡ trao đổi của những người yêu nhau với những cảm
nhận kỳ lạ: “Giao diện nàng facebook/Chấm lá nhỏ chập chờn/ sâu
vào đêm hun hút/ Tô thẩm nét cô đơn/...Cupic mũi tên thần/ Vô cớ đánh
thức anh/ Trao vòng tròn số phận/ Một chấm lá long lanh/ Bước ra từ
trang ảo/ Em thật! Không thể ngờ/ Đẩy anh vào tâm bão/ Đến giờ còn lơ
ngơ...”.
Ừ thì cứ để người thơ, nhà thơ... “lơ ngơ” trong miên trường của những cung bậc yêu đương để “Ngả nghiêng giữa cõi ta bà/ Nụ hôn nối mạng đâu là chiêm bao”. Tại sao không nhỉ?..
Bên bờ Vàm Cỏ Đông, tháng 4/ 2016
TRẦN HOÀNG VY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét