“ Mẹ mong gả thiếp về vườn Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh “ Khi đầu em dựa vai anh Lời ru chung ấy bỗng thành riêng tư Miệt Vườn xanh biếc chiếc dù Vòm cây trái mát hát ru bước mình Ngập ngừng từng nhịp võng xanh Nụ hôn chao giữa lá cành non tơ Từ lời ru buổi tuổi thơ Vượt bao thao thức bây giờ về đây Nắng vờn sóng sánh bờ cây Gió mênh mang mở bàn tay lá mềm Mùa sầu riêng dậy hương riêng Tình yêu cho lửa bùng lên bồi hồi Dịu dàng sao cỏ non ơi! Bàn chân tươi mát nụ chồi mướt xanh Dễ chi khép được lòng mình Mở ra với gió rộng thênh Miệt Vườn Về đây đi bên người thương Lời ru xưa cứ vấn vương tâm hồn Không bông bí luộc dưa hường Tình ta vẫn ngọt lành hơn gió trời Trần Ngọc Hưởng
MỘT CÕI ĐI VỀ
Tranh Nguyễn Trung
Thì thôi đã tuyệt mù xa
Mênh mang những gió, bao la nhữngtrời
Lìa quêtuổi mới lên mười
Ruổi giong từ đó nổi trôi bồng bềnh
Muôn vànkỷ niệm chông chênh
Biết thương quê, tuổi lớn lên … quặn lòng
Xứ người mấy đận long đong
Mượn làn mây trắng vời trông quê nhà!
Lần hồi ngày muộn mưa sa
Nhà xưa mẹ nối gót cha về trời
Ngoằn ngoèo hương khói chơi vơi
Chốn này vẫn một mình tôi lạc loài
Góp gom yêu dấu tháng ngày,
Tôi về với cuộc vần xoay cõi mình
Nuôi thơ chiu chắt giọt tình
Hoa tiên lưu nét trời dành đâu đây
Vòm trời quê thức đêm ngày
Khói tâm linh lãng đãng bay bốn bề
Cho tôi một cõi đi về
Đong đưa hồn mộng bên lề tha hương
TRẦN NGỌC HƯỞNG
Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011
GỬI GIÓ GÒ CÔNG
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Một ngọn đông phong …
Hát ru Nam bộ
Tranh Ái Lan
*** Gió Gò Công độc đến đâu Trăm năm một khúc hát ru lưu truyền Cũng đâu thể độc bằng em Thổi tôi xiêu lạc giạt nghiêng phố dài! Tôi yêu em, em yêu ai Một trường một lớp… lại hai hướng đời Chao ôi! Sau nét hoa cười Mắt em lấp loá dáng người lạ kia! Chiều hoang hoải gió tôi về Cỏ may ngơ ngẩn đêm mê thất tình Ngọn đông phong thổi mà kinh Tàn canh riêng một bóng hình hư hao Gió Gò Công thổi phía nào Sông xa phía ấy, núi cao phía này Cũng đành em đó tôi đây Riêng sâu kỷ niệm, riêng đầy khát khao Thổi nhàu nát mảnh chiêm bao Trăng rằm xưa khuyết nỗi đau nhói đời Nào tôi dám trách chi người Chỉ thương mình… cả một thời ngu ngơ! Năm mỏi đợi, tháng mòn chờ Gió Gò Công thổi bơ phờ tóc sương Một đời tuyết trắng tha hương Chút gì để nhớ cuối đường bão dông
Trần Ngọc Hưởng
Cốm Vòng
Tranh Ái Lan
Kìa ai! Chẳng thể nào lầm
Vai đầy gánh nặng nhịp chân nhẹ nhàng
Dọc đường phố rộn âm vang,
Sao không cất tiếng rao hàng bán rong?
Gánh chi gánh cả làng Vòng
Ngạt ngào hương cốm, hương hồng, hương quê
Gánh hàng êm ả mà đi
Giữa lòng Hà Nội nhu mì dáng ai…
Lá sen xanh phấn Hồ Tây
Làm chiếc đĩa đựng đơm đầy cốm thơm
Gói vào buộc bởi cọng rơm
Làm màu xanh cốm đẹp hơn… bội phần
Cốm làng Vòng một món dâng
Từ ngàn xưa của nếp đồng thổ ngơi
Quả hồng trứng chín đỏ rồi
Ánh vàng sợi nắng thu tươi kịp mùa
Vĩa hè em lại gặp chưa
Bóng người gánh cốm đong đưa hiền hòa
Cửa ô Cầu Giấy gánh qua
Gánh thơm thảo, gánh thật thà chân quê
Hồ Gươm vàng ánh thu về…
TRẦN NGỌC HƯỞNG
Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011
NHÀ VĂN VÕ HỒNG QUA THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG - Lê Ngọc Trác
19.11.2010 22:31
Nhà văn Võ Hồng
Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng
Có những nhà văn, nhà thơ khi đi vào cuộc chơi chữ nghĩa họ không thuộc một nhóm, một trường phái nào cả. Họ không làm dáng, làm nổi bằng cách viết gai góc, hay tạo những giai thoại giật gân câu khách. Như những người nông dân, cần mẫn trên cánh đồng, họ âm thầm gieo những mùa hoa. Và, hoa đã cho hương, kết trái ngọt cho đời.
Tác phẩm của họ, dù ở vào thời đại nào, dù xã hội hay chế độ chính trị nào vẫn được người đời trân trọng và mến yêu. Đó là trường hợp của nhà văn: Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng... (Và còn nhiều nhà thơ, nhà văn khác nữa).
Võ Hồng đã lấy tên thật của ông làm bút danh. Ông sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn tỉnh Phú Yên. Năm 1940, sau khi đậu tú tài, Võ Hồng đi làm công chức cho chính phủ Trần Trọng Kim và sau này là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1949, Võ Hồng giã từ công việc của một viên chức nhà nước, ông chuyên tâm vào công việc dạy học và viết văn. Võ Hồng cầm bút khá sớm. Từ năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay "Mùa gặt" đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" với bút hiệu Ngân Sơn. Trong cuộc đời sáng tác, Võ Hồng còn sử dụng các bút danh: Võ An Thạch, Võ Tri Thủy. Năm 1947, người vợ thân yêu của ông mất. Ông vừa nuôi con vừa dạy học và sáng tác. Năm 1959, Võ Hồng xuất bản tập truyện ngắn "Hoài cố nhân". Tác phẩm vừa ra đời đã được người đọc đón nhận nồng hậu. Từ năm 1959 đến năm 1993, Võ Hồng đã sáng tác và xuất bản hơn 20 tác phẩm, gồm: Hoài cố nhân (Ban mai – 1959), Lá vẫn xanh (Thời mới – 1962), Vết hằn năm tháng (Lá bối – 1966), Con suối mùa xuân (Lá bối – 1966), Khoảng mát (An tiêm – 1969), Bên kia đường (Mặt trời – 1968), Những giọt đắng (Lá bối – 1969), Trầm mặc cây rừng (Lá bối – 1971), Trong vùng rêu im lặng (HVN Nha Trang – 1988), Vẫy tay ngậm ngùi (NXB Trẻ – 1992), Hoa bươm bướm (Lá bối – 1966), Người về đầu non (Văn – 1968), Gió cuốn (Lá bối – 1969), Như cánh chim bay (Lá bối – 1971), Nhánh rong phiêu bạt (Lá bối – 1970), Thiên đường ở trên cao (Sở VHTT Nghĩa Bình – 1988), Áo em cài hoa trắng (Lá bối – 1969), Mái chùa xưa (Lá bối – 1971), Chia tay người bạn nhỏ (NXB Trẻ – 1991), Một bông hồng dâng cha (NXB Trẻ – 1991), Thương mái trường xưa (NXB Kim Đồng – 1993), Hồn nhiên tuổi ngọc, Thời gian mây bay...
Tác phẩm của Võ Hồng bao gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết, truyện viết cho thiếu nhi... Trong những trang văn của Võ Hồng, chúng ta bắt gặp nét tinh tế trong diễn đạt. Lời văn trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ. Trong toàn bộ tác phẩm của Võ Hồng đều đậm chất nhân văn: "Người yêu người, sống là để yêu nhau". Với một tâm hồn nhân hậu, một cuộc sống đầy trải nghiệm, Võ Hồng gởi đến người đọc một thông điệp: "Dù trong hoàn cảnh mất mát, khổ đau đến đâu, con người chúng ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Miễn là chúng ta cảm thông, tôn trọng, yêu thương nhau và vì nhau trong cuộc đời". Chính vì vậy, qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ độc giả đều yêu mến tác phẩm của Võ Hồng. Thiên tài Phạm Công Thiện – một nhà thơ lớn của đất nước trong thế kỷ 20 – một người cao ngạo đã từng phủ nhận tất cả các triết thuyết và tôn giáo nhưng vẫn thể hiện sự quý mến đối với Võ Hồng và nhà thơ Quách Tấn. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của Phạm Công Thiện về nhân cách, tâm hồn và tài văn thơ của Võ Hồng và Quách Tấn. Nhà văn Nguyễn Khải, một cây bút tầm cỡ về truyện ngắn và tiểu thuyết của miền Bắc xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi bàn luận về nhà văn Võ Hồng, Nguyễn Khải chép miệng nói: "Cái tay ấy lành mà cũng viết hay, nhỉ". "Lành" ở đây có lẽ Nguyễn Khải kín đáo nói đến tâm hồn và cách sống của nhà văn Võ Hồng. Còn "hay", Nguyễn Khải nói về tác phẩm của Võ Hồng.
Giáo sư Trần Hữu Tá đã có những nhận định về văn phong của Võ Hồng mà nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng rất hay và chuẩn xác: "...Khi đọc truyện Võ Hồng, cái buồn dịu dàng cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng người đọc không bị chùng xuống, không mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại như bình tĩnh, thanh thản hơn...".
Với Trần Ngọc Hưởng, khi anh 11 tuổi, Võ Hồng đã có truyện ngắn sánh vai cùng các nhà văn: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Mạnh Phú Tư, Tô Hoài... xuất hiện trên tuần san "Tiểu thuyết thứ Bảy". Sau này đến năm 19 tuổi, Trần Ngọc Hưởng, người con trai của quê hương Gò Công đã đi vào con đường sáng tác thơ ca, khi được phỏng vấn về văn chương đương thời, đã khẳng định: "Yêu thích các tác phẩm của Võ Hồng, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân...". Thế rồi mãi đến 31 năm sau (2000), Trần Ngọc Hưởng được vinh dự gặp gỡ nhà văn Võ Hồng, một tác giả mà anh từng yêu mến, tại thành phố biển Nha Trang. Dù không theo học Võ Hồng một ngày nào nhưng Trần Ngọc Hưởng kính trọng Võ Hồng như một người thầy của mình (người thầy mẫu mực, đầy kính trọng trong văn chương cũng như trong đời thường).
Trần Ngọc Hưởng là nhà giáo, nhà thơ. Chính từ sự quí trọng, đồng cảm với nhà văn Võ Hồng trong tác phẩm cũng như trong cuộc sống, mà Trần Ngọc Hưởng đã có những vần thơ viết về Võ Hồng tràn đầy tình cảm. Chúng tôi nhớ không lầm Trần Ngọc Hưởng đã có hai bài thơ viết về nhà văn Võ Hồng: Năm 2000, Trần Ngọc Hưởng viết bài thơ ngũ ngôn "Dáng thầy". Mười năm sau (2010) viết tiếp bài thơ "Thông điệp yêu thương". Nhiều người rất thích bài thơ "Thông điệp yêu thương", Trần Ngọc Hưởng viết về chân dung nhà văn Võ Hồng:
"Tự mình lót ổ sắc không
"Kéo dây chuông... gọi Võ Hồng"... đợi ai
Quạnh hiu ngày rộng đêm dài
Lòng luôn đau đáu nỗi Hoài Cố Nhân!
Vết Hằn Năm Tháng chân thân
Chảy hoài Con Suối Mùa Xuân trong lành
Bên Kia Đường, Lá Vẫn Xanh
Đong đưa Khoảng Mát bạc quanh tóc người
Vẫy Tay từ đó Ngậm Ngùi
Hoa Bươm Bướm nở bên trời rưng rưng!
Bao năm Trầm Mặc Cây Rừng
Lòng ta thấu hiểu lòng Luân yêu Quỳ!
Trái tim xúc động điều chi
Nhánh Rong Phiêu Bạt nỗi gì lênh đênh!
Năm mươi năm mấy nỗi niềm
Lắng nghe tóc bạc bao đêm một mình
Tách trà khuya có lên men
Trải ngày thu muộn, qua đêm đông tàn...
Hồn văn chong ngọn đèn vàng
Bao dung trước mọi hợp tan vô thường!
Từng thông điệp của yêu thương
Truyền đi từ một suối nguồn mênh mông
Lắng sâu đời cõi đục trong
Dầu hao bấc lụn chân dung không mờ!
Cụm từ viết hoa: Tên một số tác phẩm của nhà văn Võ Hồng
Trần Ngọc Hưởng đã tinh tế chọn lọc những nét đặc trưng trong cuộc đời và tác phẩm của Võ Hồng để đưa vào thơ của mình. Với 24 dòng thơ lục bát của Trần Ngọc Hưởng, chúng ta nhận biết được tâm hồn, nỗi niềm của Võ Hồng trong cuộc sống. Và, nội dung các tác phẩm tiêu biểu của ông. Một chân dung văn học đầy đủ về Võ Hồng mà chúng ta hằng yêu quí. Qua thơ, chúng ta đồng cảm, quí trọng cả hai tâm hồn Võ Hồng và Trần Ngọc Hưởng.
Đẹp biết bao những tâm hồn đôn hậu, rộng mở, thấm đẫm yêu thương trên cánh đồng văn chương thời hiện đại.
Tài liệu trích dẫn & tham khảo: - Mắt xanh (Thơ Trần Ngọc Hưởng, 2010) - Thơ tuổi 40 (Thơ Trần Ngọc Hưởng, 2000) - Nhà văn Võ Hồng – nhánh rong dường như... sắp thôi phiêu bạt (Ngô Kinh Luân)
TRẦN NGỌC HƯỞNG
"Đậm đà hương sắc miền châu thổ Cửu Long Giang" * Lê Ngọc Trác
Tranh Đinh Cường
Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tôi đã đọc được thơ của Trần Ngọc Hưởng trên các báo, tạp chí văn học của miền Nam. Thế rồi, mãi đến 50 năm sau, tôi mới có dịp đọc được nhiều thơ của Trần Ngọc Hưởng. Những bài thơ của một tâm hồn đôn hậu, đầy ắp tình cảm vẫn còn nguyên trinh sự yêu mến trong tôi như thưở ban đầu ngày xưa đã từng đọc thơ anh.
Phần lớn thơ của Trần Ngọc Hưởng viết về vùng trời, sông nước miền châu thổ Cửu Long Giang, tình đất tình người của các tỉnh miền Tây Nam Bộ như chiếc nôi đã tạo nguồn cảm hứng trong thơ cho Trần Ngọc Hưởng. Qua thơ Trần Ngọc Hưởng, chúng ta được sống với sông nước Cửu Long Giang mênh mông, những cánh đồng xanh ngát tận chân trời. Màu xanh mướt tóc dừa nghiêng trong gió, màu khói đốt đồng thơm mùi rơm rạ phù sa châu thổ trong thời điểm giao mùa của đất phương Nam:
"Ôi Cửu Long Giang chín miệng Rồng
Ra khơi táp sóng nhớ nguồn sông
Chảy luồn máu đất trong dòng nước
Sông nhả phù sa lấp Biển Đông
Chia nhánh Tiền Giang, nhánh Hậu Giang
Đôi dòng huyết mạch của Miền Nam
Máu tim cuộn chảy ơi trìu mến
Khói sóng hòa hơi thở xóm làng
Mỏi cánh cò bay thẳng cánh đồng
Cột chèo soi bóng thấu lòng sông
Lưới khuya chụp sóng từng con nước
Chở nặng xuồng khua nhịp lớn ròng
Tóc mướt dừa nghiêng dòng Cửa Tiểu
Nhà chòi khách đợi chuyến đò ngang
Bên sông Cửa Đại phà hơi sóng
Tao tác gà trưa gáy muộn màng
Trôi giạt Ba Lai sông nước cũ
Tối rồi về núi cánh chim bay
Lửa chài hiu hắt đêm thao thức
Qua cửa Hàm Luông mặt nước đầy
Khói bếp bay hoài trên mái lá
Cổ Chiên sóng bạc vỗ hồn ta
Tung cao diều giấy đùa trong gió
Cô gái Cung Hầu cất giọng ca
Bùn đen điểm trắng bông bần rụng
Mây cuốn buồm xuôi cửa Định An
Trời rộng Trần Đề in đáy nước
Bến nào tách nhẹ mái chèo sang
Mây cao cuồn cuộn bông gòn trắng
Ba Thắt luân lưu máu một dòng
Cuống rún khôn lìa lòng đất mẹ
Dạt dào huyết mạch chín dòng sông".
(Huyết mạch miền Nam - Thơ Trần Ngọc Hưởng)
Thơ của Trần Ngọc Hưởng còn gợi cho chúng ta nhớ về một thửa "mở cõi" của tiền nhân:
"Áo vá quàng túi rỗng
Hồn thơm nuôi chí bền
Đánh cược với số phận
Tiếng độc huyền chênh vênh
Chẳng "sắc phong bảo kiểm"
Phu tướng cũng lên đàng..."
Tiếng độc huyền lưu lạc
Một khúc hành phương Nam
Lục bình trôi lãng đãng
Sông Hậu hay sông Tiền?
Tân An hay Mộc Hóa?
Mịt mờ chưa tuổi tên
Rưng rưng hồn lau sậy
Men rượu bạc chiều sương
Gõ nhịp xuồng ba lá
Tiếng độc huyền tha phương
Đất mới bao huyền thoại
Nước rong sóng vượt bờ
Đêm mộng nghìn lúa trổ
Hạt no tròn vàng mơ...
Rắn thành tinh khè lửa
Sấu thành tinh đội đèn
Vẹt muỗi mòng đĩa vắt...
Tiếng độc huyền vút lên...
Ai ôm đàn cầm phảng
Hiểm nguy sá chi hề
Máu mồ hôi thánh thót
Đất lạ đã thành quê
Mênh mang thời mở cõi
Ai "dạ cổ hoài lang"?
Tiếng độc huyền da diết
Một khúc tình phương Nam
Đêm nay xuôi Vàm Cỏ
Hồn giạt sóng bên trời
Tiếng độc huyền bứt rứt
Thương người xưa khôn nguôi..."
(Khúc tình phương Nam – Thơ Trần Ngọc Hưởng)
Bài thơ "Qua đò cầu Nổi", Trần Ngọc Hưởng viết cách đây 40 năm vẫn còn "neo đậu" trong lòng những người yêu thơ. Bài thơ đẹp, mượt mà, thơ mộng, tràn đầy tình cảm. Phải chăng "chuyến đò cầu Nổi" là bến bờ hạnh phúc trong đời của nhà thơ chúng ta?:
Ta qua Cầu Nổi năm năm trước
Gặp lại em trong một chuyến phà
Mưa bụi mù giăng tà áo tím
Nhớ thời trẻ dại đẹp như hoa
Nhớ trang vở cũ thương trường tỉnh
Thương tiếng chuông tan nhịp thước buồn
Thương buổi lìa đàn chim vỡ tổ
Một khung trời mộng chỉ còn hương
Thương bóng dù che phà tách bến
Dáng cô bạn nhỏ phút qua sông
Trong màu áo tím làn mưa bụi
Má ướt mà sao cứ ửng hồng
Sánh vai hai đứa cùng qua "bắc"
Gió thổi đôi bờ tóc rối bong
Thương quá mắt em đầy khói sóng
Neo hồn ta mãi giữa dòng trong
Năm xưa ngày đó ta là bạn
Đâu nghĩ ngày nay nên lứa đôi
Hai đứa nắm tay cùng xuống bến
Qua đò Cầu Nổi vợ hiền ơi!
Lòng ta nhớ mãi thương ngày đó
Áo tím bay hoài mưa bụi rơi
Đôi mảnh lòng son cùng sánh bước
Trăm năm trên một chuyến phà đời"
Trần Ngọc Hưởng viết những câu thơ về cha mẹ của anh, đọc xong chúng ta nghe lòng mình se thắt:
"...Ráng đỏ chiều hôm sâu lắng lại
Bảy mươi tuổi lẻ một đời cha
Lo toan nhiều nỗi riêng cơ cực
Từ tuổi thanh xuân đến tuổi già
Bông sậy đưa buồn phơ phất trắng
Cho con côi cút giữa quê mình
Bếp xưa soi mắt người yêu dấu
Cha chợt về trong đốm lửa xanh..."
(Trích bài thơ: Đốm lửa xanh Trần Ngọc Hưởng)
Bên cạnh nhiều bài thơ viết về miền Nam nơi anh đã sinh ra và lớn lên, Trần Ngọc Hưởng còn viết về những vùng đất mà anh đã từng đến, như: Phan Thiết, Huế, Hà Nội, Đà Lạt, Hạ Long... Những bài thơ anh viết về những vùng đất mà anh từng đến đều gợi mở trong chúng ta những giai thoại văn chương, lịch sử. Có lẽ, Huế là nơi cho anh cảm xúc thơ nhiều nhất. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, Trần Ngọc Hưởng đã viết đến 5 bài thơ về Huế. Ngày xưa, Nguyễn Bính viết về mùa mưa xứ Huế. Mưa da diết, mưa dầm dề, đầy cô đơn và nghèo khổ. Ngày nay, Trần Ngọc Hưởng cũng viết về mưa Huế. Có thể nói, mưa Huế trong thơ của Trần Ngọc Hưởng đầy thơ mộng, tạo cho chúng ta một nỗi buồn man mác khi trải qua bể dâu của cuộc đời:
"Mưa đan chéo mặt sân rồng
Mờ mờ dáng chín đỉnh đồng Huế thơ
Gió day dứt tiếng chuông chùa
Em về nón mỏng chiều mưa nghiêng buồn
Nhòa dần mái cổ chon von
Tim trong ngực mệt đập mòn nhịp xưa
Hoàng thành đứng rũ trong mưa
Đằm đằm tóc trắng tượng thưa ôm đầu
Lá vèo trước cổng vào thu
Quanh đây lãng đãng sương mù nghìn năm
Mưa trời tiếng vọng âm âm
Một tôi tâm thức đôi phần quạnh hiu
Chia xa hồn tiếc thương nhiều
Mưa bong bóng vỡ bóng chiều nhặt hơn
Huế xa vời! Huế mù sương!
Huế lay phay hạt mưa vương tóc người..."
Trần Ngọc Hưởng sinh năm 1951 tại Gò Công, quê hương của miền gái đẹp. Và, nơi đây đã ghi đậm những chiến công hào hùng của người anh hùng Trương Công Định, thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp xâm lược trong thế kỷ 19. Hiện nay, anh định cư ở Tân An, Long An và dạy học tại trường Cao đẳng Sư phạm Long An.
Gần 60 tuổi đời,đến nay, Trần Ngọc Hưởng đã có hơn 40 năm gắn bó với thơ ca. Đến năm 2007, Trần Ngọc Hưởng đã xuất bản được 8 tập thơ, gồm: Bẻ lá che hường, Vườn xưa, Tay phấn, Thơ tuổi 40, Cuống rún chia lìa, Suối nguồn xanh, Chân dung thơ, Từ chín dòng sông vọng cổ. Có những thi phẩm tái bản đến lần thứ hai như Bẻ lá che hường, Tay phấn, Chân dung thơ.Điều này chứng tỏ thơ Trần ngọc Hưởng đã khẳng định vị trí trong lòng người yêu thơ.
Thơ của Trần Ngọc Hưởng giản dị, chân thực, tràn đầy tình cảm,đậm đà hương sắc miền châu thổ Cửu long Giang.Ý thơ sâu sắc.Thơ anh có độ rung lớn,làm lay động tâm hồn người đọc. Kế bước những nhà thơ: Kiên Giang - Hà Huy Hà, Trần Tuấn Kiệt... qua thơ, Trần Ngọc Hưởng làm đẹp thêm đất nước, con người miền Nam thân yêu. Lê Ngọc Trác
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Thơ tuổi 40 (Trần Ngọc Hưởng)
- Từ chín dòng sông vọng cổ (Trần Ngọc Hưởng)