Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Tản mạn về chùm thơ Trần Ngọc Hưởng


Chiều ở Kiến Bình

 Đã lâu chẳng ước hẹn gì

Chiều nay lại được cụng ly Tháp Mười

Ta về đây Kiến Bình ơi!

Ly đầy uống cạn ly vơi rót tràn



 Nghe ca tài tử thiếu đàn

Mà thương ngọn gió quá giang sang nhà

Ngồi trên tắc rán hiểu ra

Cả mưa nắng cũng thực thà từ xưa



 Gió luồn lả ngọn tràm thưa

Hương hoa lãng đãng cho vừa vấn vương

Ta như cánh én lạc nguồn

Phút nào mỏi nhớ mòn thương lại về



 Bước phập phồng bước say mê

Tiếng cu gù dỗ giấc quê đậm đà

Giọng ca khét nắng bên nhà

Giàn bầu nở ngát hương hoa đương thì



 Lâu ngày mới được cụng ly

Nỗi niềm còn biết nói chi hỡi người

Dẫu đi cuối đất cùng trời

Vẫn không nguôi chuyện lở bồi quê hương



Lần dấu chân quê

Gập ghềnh chái gió hiên mưa

Vẹo xiêu mái dột nhà xưa ta về

Tạm quên công việc bộn bề

Phiêu bồng lần dấu chân quê một mình



 Ngập ngừng ngõ khuất đường quanh

Anh em thất tán gia đình ly tan

Qua rồi mỏi bước dọc ngang

Cúi đầu dâng một nén nhang… tạ tình



 Sư già khản tiếng cầu kinh

Vườn sau cò trắng giật mình vụt bay

Tìm đâu hương nhụy thơ ngây

Kết tình thân ái sum vầy thuở xưa



 Đầu hồi ngồi mỏi lưng trưa

Ta về võng mắc nắng mưa hai đầu

Tiếng đàn chia chút bể dâu

Tan thành sợi khói cạn sâu khôn lường



 Lời ru ai hát bên vườn

Dỗ ta chút mộng bình thường đong đưa

Thôi thì cứ ngỡ như chưa…

Sá gì nắng sớm mưa trưa đổi dời.

T.N.H

                                                                                        Tranh Đinh Cường 

Buổi sáng vừa ngủ dậy, nhâm nhi ly cà-fê và đọc đi đọc lại chùm thơ Trần Ngọc Hưởng. Ôi! Sao lòng tôi khoan khoái quá, tưởng như thể mình đang ngồi giữa hương đồng cỏ nội, giữa quê hương mình, hít thở không khí trong lành, nghe những âm thanh thân quen và êm ái. Trần Ngọc Hưởng viết về một quê hương xa đâu đâu mà tôi chưa hề biết tới, vậy mà sao tôi thấy quê hương ấy trở nên quá gần gủi và rất thân thương với mình. Trần Ngọc Hưởng dùng lời thơ bình thường như nói chuyên với nhau mà sao tác động vào tâm hồn tôi mạnh quá. Những cảm xúc khi đọc chùm thơ lâng lâng nhẹ nhàng không khác gì ly cà fê mà vợ yêu thương của tôi đã chế đang để ở cạnh tôi. Sáng nay tôi vui vì có hai niềm vui của hai người đem đến, một người rất lạ và một người rất quen: Trần Ngọc Hưởng và vợ tôi.



Chùm thơ Trần Ngọc Hưởng có gì mà bình, vì rất dễ, ai đọc cũng hiểu được mà thôi. Tuy nhiên nếu ai muốn bình hai bài thơ nầy thì quả nhiên rất khó, vì nó giống như một người đẹp mà không  “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” và không “làn thu thủy nét xuân sơn” nhưng vẫn “ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” thì làm sao có chữ mà bình được vậy .



                        Nghe ca tài tử thiếu đàn



                        Mà thương ngọn gió quá giang sang nhà



                        Ngồi trên tắc rán hiểu ra



                        Cả mưa nắng cũng thật thà từ xưa.



 Đọc bốn câu thơ trên tôi nghe, tôi thấy, tôi hiểu toàn bộ cái mộc mạc chơn chất, thật thà của cả vùng nơi tác giả đang ngồi và cả dòng thời gian mà tác giả đã sống ở đây nhưng tôi không có từ nào chính xác để chỉ ra cụ thể cả.



                       Giọng ca khét nắng bên nhà



                       Giàn bầu nở ngát hương hoa đương thì



Tôi rất thích hai câu nầy. Mồ hôi khét nắng thì khó ngửi, nhưng ở đây tác giả dùng từ “giọng ca khét nắng” thì trái lại nghe sao mà thân thiết quá. Giọng ca khét nắng thì chắc chắn là giọng ca dở rồi, vậy mà để bên cạnh câu thơ “giàn bầu nở ngát hương hoa đương thì” không hề thấy xung khắc nhau. Cái xấu để cạnh cái đẹp mà lạ thay đã làm cho hai cái cùng trở nên rất đẹp. Quả ông Trần Ngọc Hưởng chơi chữ bạo gan lắm vậy.



 Qua bài thơ ‘Lần dấu chân quê” tác giả đã tả toàn cảnh nghèo khó, nói toàn chuyện buồn mà sao tôi chẳng thấy buồn chút nào cả, lại thấy cả tâm hồn ngan ngát hương quê, ôm ấp tình thân ái, dẫu cho tình thân ái thuở xưa nay đã trở thành kỷ niệm:



                             Tìm ra hương vị thơ ngây



                              Kết tình thân ái sum vầy thuở xưa



Trong bài thơ nầy thật tình tôi quá yêu những câu thơ sau đây:



                                   Sư già khan tiếng cầu kinh



                                   Vườn sau cò trắng giật mình vụt bay



Đây là cảnh động hay cảnh tỉnh đây? Lời thơ thì cảnh động mà ý thơ thì quá tỉnh mịch, quá lắng đọng làm cho lòng người không bay lên như cánh cò mà chìm xuống trong thư giản êm ái lạ thường.



                                 Đầu hồi ngồi mỏi lưng trưa



                                 Ta về võng mắc nắng mưa hai dầu



                                 Tiếng đàn chia chút bể dâu



                                 Tan thành sợi khói cạn sâu trong lòng



Tác giả nằm trên võng hay cả thời gian quá khứ với biết bao kỷ niệm vui buồn, bể dâu, trăn trở nằm trên võng đây? và tôi tưởng tượng được sự khoái cảm làm sao của tác giả khi cả cái thời gian ấy tan vào trong lòng và trong giấc ngủ của ông.



Đọc bốn câu thơ cuối tôi mới hiểu rằng vì sao tôi không buồn khi đọc bài thơ. À ra tác giả đâu muốn buồn. Tác giả muốn:



                            Lời ru ai hát bên vườn



                            Dỗ ta chút mộng bình thường đong đưa



                            Thôi thì cứ ngỡ như chưa



                            Sá gì nắng sớm mưa trưa đổi dời.



  Bài viết nầy của tôi không phải là bài bình thơ, chỉ là đọc thơ hay thích quá mà viết tản mạn thôi. Tôi viết và mời đọc như mời quý vị ngồi quanh bàn tròn uống ly cà fê tôi chế. Cà fê tôi chế thì không chuyên nghiệp nhưng tấm lòng tôi yêu thơ giống như quý vị thì chắc chắn có nhiều. Vậy tôi thành thật xin lỗi nhà thơ Trần Ngọc Hưởng, quí vị thi hữu và bạn đọc gần xa nếu ly cà fê tôi mời không làm vừa ý lắm .

                                                       Châu Thạch






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét