Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Đọc “Thơ viết lúc về hưu” của Trần ngọc Hưởng
Đời ta thực sự từ đây
Cận kề chồng vợ, sum vầy cháu con.
( Thơ T.N.H )


  
                                    Tranh Đinh Cường

Làm người chèo đò 40 năm, mỗi năm được một chuyến, và khi tóc đã bạc phơ thì gác mái lên bờ. Đó là cuộc đời của những người thường được gọi bằng nhiều từ là gõ đầu trẻ, bán cháo phổi, đưa đò chữ hay là nhà giáo. Cũng như một số nhà giáo khác, vì đồng lương hưu trí hẹp hòi nên tác giả bài “Thơ viết lúc về hưu” Trần ngọc Hưởng sau khi lên bờ không chịu nghĩ hẳn mà làm thêm một nghề nữa là “lão nông dân khù khờ”. Chẳng hiểu chữ “khù khờ” ở đây là khù khờ trong nông nghiệp hay khù khờ trong chợ đời như bao nhà giáo khác, suốt đời tận tụy trong sự nghiệp trồng người, khi bỏ vào cuộc đời thì chết chìm như con cá chết phơi bụng trên mặt nước:
Bốn mươi năm nghiệp chèo đò
Mỗi năm một lớp học trò sang sông
Sáu mươi tóc ngả màu bông
Ta về làm một lão nông khù khờ

Đọc hai câu thơ mở đầu trên đã thấy chút gì cảm phục trong lòng . Đọc tiếp hai câu thơ sau , lòng quặn lên một thứ tình thương khó tả. Qua bốn câu thơ,chẳng biết tác giả có ý than thân hay không, nhưng người đọc hình dung ra được một vị thầy đạo mạo, yếu ớt, tay quen cầm bút mà nay phải vật lộn với cuốc với cày. Dầu ai có vô tâm, khi đọc bốn câu thơ nầy, lòng chắc cũng dễ nhớ đến một vị thầy xưa của mình. Và bốn câu thơ tiếp:

Chẳng còn nhạc…chẳng còn thơ
Cuộc trà tiêu khiển, ván cờ giải lao
Muốn tìm đến thú vui nào
Cũng đành châm bẩm…nhắm vào lương
hưu

Cuộc đời của một nhà giáo từ lâu để “muốn tìm đến thú vui nào” thì cũng đều châm bẩm ngắm vào đồng lương Nhưng dầu sao ngày xưa khi còn tại chức, đồng lương vẫn nhiều hơn bây giờ chỉ có vài triệu, nên lại càng phải châm bẩm nhiều hơn. Tội thay cho vị thầy một đời mô phạm, một đời tận tụy, một đời thiếu hụt và một đời không hái được quả của vườn mình trồng đã đơm hoa kết trái, vì thành quả của họ là những học trò thành danh mấy khi quay lại tìm thầy. Bốn câu thơ nầy như bốn sợi dây lòi tói, bó rọ cuộc đời người thầy khi về hưu. Thầy phải xa nhạc xa thơ, kèm hảm, từ chối những thú vui tốn tiền mà chỉ đến với những thú vui bình dân vô bổ.
Vài triệu đồng nghĩa gì đâu
Giữa thời củi quế gạo châu từng ngày
Đời ta thực sự từ đây
Cận kề chồng vợ, sum vầy cháu con
Giữa cái khó khăn của cuộc sống thầy được an ủi chút đỉnh vì đã được sống thật sự gần với gia đình. Tác giả chắc chắn là người đã dạy học ở chốn xa nhà, không chỉ một năm hay vài năm mà suốt cả 40 năm. Chẳng thế mà bây giờ về hưu ông mới thật sự cho rằng “Đời ta thật sự từ đây. Cận kề chồng vợ, sum vầy cháu con”. Đời nhà giáo là một cuộc đời trong sạch và thơm tho. Trong sạch vì không chen lấn chợ đời, thơm tho vì tay chỉ dính phấn trắng nhưng không lấm bụi đời nhơ bấn. Một ngày của nhà giáo là một ngày kết hoa cho đời và họ đã dâng cho đời một vòng hoa trọn vẹn khi “bàn tay phấn đã nhẳn mòn bàn tay”. Nhà giáo được quyền kiêu hảnh mà thốt lên:
Một vòng hoa giáp đã tròn
Bàn tay phấn đã nhẳn mòn bàn tay
Ngọt ngào xen lẫn chua cay
Đục trong thế sự vần xoay thế tình

Trong cảnh đồng lương hưu ít ỏi,gạo châu củi quế, thì niềm vui làm sao mà trọn vẹn. Đã thế khổ thay, thầy lại còn bị kẹt giữa cái ồn ào của phố chợ thị thành mới mọc, giửa những con người mới giàu xênh xang ngước mặt lên trời:
Lại chen lấn giữa thị thành
Bốn bề phố dội xập xành âm vang
Người ta ngước mặt xênh xang
Bốn bề thiên hạ mở mang tưng bừng

Người ta “Ngước mặt xênh xang, mở mang tưng bừng” còn mình thì “trở lại nông dân” bảo sao lòng thầy bình an cho được. Bởi thế cho nên tác giả đã kết thúc bài thơ với bốn câu vô cùng bi lụy:
Một mình trở lại nông dân
Dừng chân giủ bụi phong trần mà thương
Phù sinh chèo nốt đoạn đường
Trước làn sóng cả đại dương…giật mình.
Sóng cả đại dương
gì đây?Phải chăng là sự phát triển xô bồ, lợi tức chênh lệch, cuộc sống đắt đỏ đến nỗi các nhà giáo hưu trí phải làm thêm một nghề “lão nông khù khờ” mà vẫn còn hoảng sợ trước làn sóng phát triển ồ ạt kia vậy.
Đây là một bài thơ hay, với lời thơ tự thuật nhẹ nhàng không than trách, mà làm cho người đọc thật sự bâng khuâng cảm động. Đây cũng là bài thơ đánh động mọi người, những người có trách nhiệm với xã hội và những người đã từng có thầy. Chúng ta ai cũng ca tụng sự nghiệp giáo dục, tôn vinh nhà giáo nhưng cuộc sống họ hầu hết như bài thơ của tác giả. Vậy tôn vinh làm gì, ca tụng làm gì khi mà để cho cuộc sống của những con người ta kính trọng phải chịu cái “làn sóng đại dương” dữ dội ấy ập lên đầu ? ./.


CHÂU THẠCH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét